Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Giọng ca miệt vườn lan tỏa tình yêu đờn ca tài tử

Văn hoá 26/12/2022 - 14:00

Tối 25-12, tại Đài PT-TH Đồng Tháp, cuộc thi ''Tài tử miệt vườn'' đã bước vào đêm chung kết với sự tranh tài của bảy tài tử miệt vườn, những thí sinh có một tình yêu đặc biệt với đờn ca tài tử.

Giọng ca miệt vườn lan tỏa tình yêu đờn ca tài tử - ảnh 1

Thí sinh Trần Thị Hồng Nguyệt dự thi tiết mục Nàng tiên Mẫu Đơn trong đêm chung kết 25-12 - Ảnh: L.ĐOAN

Đêm chung kết là phần tranh tài của bảy thí sinh: Trần Thị Hồng Nguyệt, Trần Phước Trung, Trần Kim Soan, Lê Phạm Thu Hà, Nguyễn Thanh Ly, Trần Chí Tâm và Nguyễn Ngọc Hà.

Để các tài tử… không sợ!

Các thí sinh dự thi các trích đoạn cải lương với sự tham gia phụ diễn của các nghệ sĩ chuyên nghiệp như Vũ Luân, Minh Trường, Nhã Thi, Lê Hồng Thắm, Hải Yến, Huyền Trâm, Võ Ngọc Tân… 

Bên cạnh đó, cả bảy thí sinh bốc thăm để tham gia phần thi hát nối đuôi - tức là bảy thí sinh mỗi người hát một đoạn bài Liên nam, gồm thể điệu Nam xuân và Nam đảo trong bài Đẹp lắm những đời sen của tác giả Thanh Hùng. 

Giám khảo chương trình gồm các nghệ sĩ Thanh Hằng, Kim Tử Long, Ngọc Huyền và giám khảo khách mời là danh ca Chí Tâm.

Dù là cuộc thi đờn ca tài tử, cải lương được tổ chức ở đài tỉnh nhưng đến nay "Tài tử miệt vườn" đã chứng tỏ được sức hút khi có số lượng tham gia đông đảo, gấp đôi số lượng thí sinh dự thi các cuộc thi danh tiếng khác như "Chuông vàng vọng cổ", "Bông lúa vàng"…

Năm nay có trên 800 thí sinh đến với cuộc thi. Chính vì sức hút đó mà nghệ sĩ Hữu Quốc khi được mời làm đạo diễn chương trình đã nhận lời ngay. 

Anh tâm sự trong công tác đạo diễn anh luôn muốn giữ đúng chất tài tử miệt vườn của các thí sinh, vì như vậy mới là đặc trưng riêng của cuộc chơi này.

"Chúng tôi không đòi hỏi thí sinh phải ca - diễn như nghệ sĩ chuyên nghiệp. Chúng tôi phải đi tìm những chất có sẵn của họ để khai thác vì muốn khán giả có thể thấy được sự hồn hậu nhất của thí sinh. 

Thế nên chúng tôi thường "làm phiền" ban tổ chức vì mỗi ngày phát hiện được điều gì đặc biệt ở thí sinh lại đề nghị làm thêm, kết nối thêm phần này phần nọ. Mục đích cuối cùng là tạo sự thoải mái để thí sinh thể hiện hết khả năng của mình" - Hữu Quốc nói.

Trên quan điểm này, chương trình không muốn quá chuyên nghiệp trong các phần thi của các thí sinh. Vậy nên có những phần thi được xây dựng từ lát cắt cuộc đời người thi để có được cảm xúc thật. 

Những hình ảnh làng quê, sông nước cũng được cách điệu trên sân khấu để tạo sự "vững tâm", gần gũi cho thí sinh khi thể hiện bài thi.

Vừa đi thi vừa bán đậu phộng

Quyết tâm làm thí sinh... không sợ đã khiến mỗi mùa khởi động cuộc thi, số lượng thí sinh xếp hàng ngày càng dài ở đài. Nhất là trong mùa dịch bệnh bị gián đoạn, nhiều khán giả gọi về đài bày tỏ nỗi nhớ nhung và thăm dò xem khi nào cuộc thi trở lại.

Vì thế, đối tượng dự thi cứ ngày càng mở rộng biên độ tuổi, từ 9, 10 tuổi đến ngoài… 80! Có bà bác hơn 70 tuổi lén chồng đi thi vì sợ ổng nói "Già còn ham vui!". 

Chú Phi Hùng lên thi phân trần: "Sáng nay 2h đã thức dậy sửa soạn bán cơm nên sáng nay vô thi hơi mệt, hụt hơi chút!". 

Nhiều thí sinh từ nhiều tỉnh thành miền Tây chạy xe máy về đài thi rồi chạy về liền để đỡ tốn tiền nhà trọ. 

Chị Kim Phúc thi xong nấn ná ở lại vừa nghe các thí sinh khác ca, vừa tranh thủ… bán thêm đậu phộng. Có gia đình anh Nguyễn Thanh Ly cả nhà ba mẹ và con gái cùng đi thi, cuối cùng một mình anh lọt vào chung kết.

Để duy trì các cuộc thi vọng cổ, cải lương trên sóng truyền hình hiện nay, hầu hết các đài lớn nhỏ đều gặp những khó khăn trong việc tìm tài trợ. Và để giữ những cuộc thi hằng năm với họ là sự nỗ lực lớn.

Chọn một hướng đi khác, "Tài tử miệt vườn" không chỉ là sân chơi để những người không chuyên thể hiện khả năng ca hát, mà ở đó còn có những câu chuyện rất hồn hậu, dễ thương để thấy rằng mạch sống đờn ca tài tử, cải lương vẫn đang chảy rất mạnh mẽ trong cuộc sống của người dân Nam Bộ. 

Việc đưa những hình ảnh, câu chuyện dễ thương đó lên sóng cũng là một cách rất mộc mạc để lan tỏa tình yêu đờn ca tài tử, cải lương - nét văn hóa đặc trưng của người dân miền sông nước.

Quán quân "Tài tử miệt vườn" mùa 3 thuộc về thí sinh Trần Thị Hồng Nguyệt với giải thưởng trị giá 80 triệu đồng. Thí sinh giành giải á quân là Trần Chí Tâm. Hai giải ba thuộc về thí sinh: Trần Kim Soan, Trần Phước Trung. Ba tài tử đoạt giải tư gồm: Nguyễn Ngọc Hà, Nguyễn Thanh Ly, Lê Phạm Thu Hà. Giải Tài tử truyền lửa đam mê trao cho tài tử Huỳnh Văn An. Và giải Tài tử thắp lửa đam mê dành cho tài tử nhí Phạm Mỹ Huyền.