Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.

Góc nhìn 365: Hi vọng từ… bia đá

Văn hoá 05/11/2022 - 03:55

Ngày 8/11 tới, cuộc triển lãm Bia đá kể chuyện tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội sẽ kết thúc, khép lại đúng một tháng trưng bày đáng chú ý về câu chuyện của những tấm bia đá ở đây.

Nói đáng chú ý, bởi dù “bia đá tiến sĩ” của Văn Miếu vốn không hề xa lạ với khách du lịch và người dân Hà Nội, nhưng đây lại là lần đầu tiên những hiện vật được công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới này đến với người xem qua một cách tiếp cận khá hiện đại: Sử dụng pano, áp phích, đồ họa, hình ảnh… kèm theo những thông tin được biên soạn và bổ chú khá chi tiết.
Cụ thể, ứng với giai đoạn thời Lê sơ - Mạc (1442 - 1529), 14 tấm bia đá cổ nhất của Văn Miếu đã được diễn giải nội dung theo từng nhóm chủ đề: Chiêu mộ hiền tài (giới thiệu một số nét chính về khoa cử giai đoạn này); Con đường khoa cử (thông tin về thi cử và chế độ đãi ngộ); Gương sáng tiền nhân (giới thiệu một số danh nhân tiêu biểu); Lưu danh muôn thủa (giới thiệu những câu trích dẫn nổi tiếng). Đặc biệt, với các mã QR được bố trí, du khách chỉ cần quét mã bằng điện thoại thông minh là lập tức có thể chủ động tiếp cận với hệ thống trưng bày này ở các vị trí khác nhau.
Góc nhìn 365: Hi vọng từ… bia đá - ảnh 1 Người dân và du khách tham quan khu trưng bày chuyên đề “Bia đá kể chuyện”. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN
Ở đó, không còn là những “chứng nhân thầm lặng” của lịch sử như chúng ta thường gọi, những tấm bia tiến sĩ đã mở ra vô vàn câu chuyện sinh động, với những số liệu và chi tiết thú vị. Đó là thông tin về số lượng tiến sĩ của các địa phương thời Lê, về những gia đình có nhiều anh em và nhiều đời đỗ tiến sĩ, về cách dựng bia tiến sĩ và cả những khoa thi bị “bỏ qua” không dựng bia, về những ông nghè hiếm hoi trong lịch sử đỗ đạt nhưng lại tiếp tục “ứng thí” mong chạm tới thứ bậc như kỳ vọng…
Như chia sẻ từ những người thực hiện dự án trưng bày này, trong rất nhiều năm qua, những tấm bia tiến sĩ vẫn mặc định được coi là điểm nhấn quan trọng nhất tại Văn Miếu. Vậy nhưng, chúng chủ yếu vẫn chỉ mang tới cho du khách ấn tượng về sự cổ kính bên ngoài - trong khi phần nội dung trên bia gần như vẫn bị bỏ qua. Thậm chí, với nội dung cô đọng và gắn với những cái tên trong quá khứ, những văn bia này nếu được dịch ra tiếng Việt thì cũng khó có thể hấp dẫn du khách. Bởi thế, việc bổ chú, chọn lọc và diễn giải một hệ thống thông tin bổ trợ bằng đồ họa, hình ảnh và 2 thứ tiếng Việt - Anh đã được nghiên cứu xây dựng để tăng sức hấp dẫn cho các tấm bia…
***
Những gì vừa kể hẳn khiến chúng ta nhớ về thực tế từng được nhiều chuyên gia phản ánh: Nhiều bảo tàng, di tích hiện nay thường trưng bày, khai thác tài nguyên rất lãng phí theo kiểu… càng nhiều càng tốt, trong khi thông tin đi kèm lại rất mỏng. Trong khi đó, nhu cầu của người xem hiện đại luôn đòi hỏi những thông tin chuyên sâu và đủ hấp dẫn, thay vì bằng lòng với những chú thích vắn tắt.