Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.

Hồi ký của Hùm xám đường số 4

Chính trị 30/04/2024 - 15:01

Chưa đầy 30 tuổi, Đặng Văn Việt là trung tá, chỉ huy một trong các trung đoàn đầu tiên của quân đội, biến đường 4 thành ác mộng với thực dân Pháp. Họ gọi ông là Hùm xám đường số 4.

Hùm xám đường số 4 từng được xuất bản năm 1987 với tên gọi Đường số 4 rực lửa, được đại tướng Võ Nguyên Giáp viết lời tựa và đại tướng Hoàng Văn Thái viết lời giới thiệu.

Hồi ký của Hùm xám đường số 4 - ảnh 1

Sách Hùm xám đường số 4. Ảnh: Tuấn Bình.

Đặc biệt, tác giả của nó, đại tá Đặng Văn Việt đã được tặng giải thưởng cao nhất của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 1999.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: "Ở Đặng Văn Việt, về tài và đức là điều không cần bàn đến: Sáng tạo về quân sự, vững vàng về chính trị và khả năng thể hiện trong văn học thật dồi dào".

Đọc hồi ký chiến trường này, bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên khi thưởng thức những áng văn trữ tình huyền ảo: Sớm tinh mơ ngày 7 tháng 10 vừa nghe tiếng kẻng, chúng tôi đều bật dậy, chạy ra sân tập thể dục như thường lệ. Bây giờ đã cuối thu, núi rừng Việt Bắc còn giăng mù sương sớm, phảng phất làn gió lạnh chớm đông. Bỗng nhiên kẻng báo động dồn dập, đồng thời cả vùng trời Yên Thông rền vang tiếng máy bay địch. Lúc đầu chúng tôi tưởng chỉ là một vài chiếc khu trục Xpít-phai (cổ rụt) lùng sục dọc ngoài tuyến Đường số 3 như mọi lần thường đã xảy ra. Nhưng tiếng động cơ vang dội mạnh mẽ hơn, số lượng máy bay nhiều hơn. Ngồi dưới hầm và hào giao thông, chúng tôi đều chung một ý nghĩ: ‘Bọn Pháp bắt đầu giở trò đây’.”

Và khi nhắc tới chiến trường, lời văn lại sục sôi nhiệt huyết: Từ năm 1953, tôi rời Mặt trận rồi đến năm 1960, tôi chuyến ngành nhận nhiệm vụ khác, không ở quản đội nữa. Năm 1975, qua đài, báo tôi theo dối chiến dịch lịch sử đại thắng mùa xuân từ lúc mở đầu chiến dịch Buôn Mê Thuật cho tới ngày 30 tháng 4, giải phóng Sài Gòn. Nhớ lại thuở trai trẻ ở biên giới Cao - Lạng, bỗng nhiên tôi có cảm giác thật kỳ lạ, cứ như là lịch sử lặp lại vậy. Chiến dịch Biên giới, đòn đánh mở đầu ở Đông Khê đã điểm trúng vào đại huyệt của địch, khiến chúng vỡ bung thế trận, hoang mang, lúng túng rơi vào tình trạng suy sụp, rơi từ sai lầm này đến sai lầm khác, để rồi gánh chịu cái kết quả bi thảm là bỏ tuột một vùng lớn đất đai, rút chạy từ Cao Bằng xuống đến Lạng Sơn, Lộc Bình, Đình Lập, Tiên Yên, cả chiều ngang từ Đình Lập đến Lục Nam. Vẫn chưa yên cơn choáng váng, chiến dịch kết thúc rồi mà vẫn hoảng hốt, chúng vội rút cả Hòa Bình, Lào Cai, mở cho ta cái hành lang xuyên suốt từ Việt Bắc thông vào cửa ngõ Khu 3, tuột vào Khu 4, nối với chiến trường Trung Bộ.”

Ông không phải nhà văn, tất nhiên rồi. Cấp hàm của ông dừng lại ở bậc trung tá. Ấy vậy mà đối phương gọi ông là “Hùm xám đường số 4”, và khi lâm bệnh ở tuổi gần 100, có tới 4 vị tướng tướng quân đội tới tận giường bệnh thăm ông. Phần lới mọi người chỉ biết về ông Đặng Văn Việt qua cuốn hồi ký chứ chưa biết nhiều về cuộc đời thăng trầm của ông.

Hồi ký của Hùm xám đường số 4 - ảnh 2

Trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt chỉ huy trên đường số 4. Ảnh tư liệu /Quân đội Nhân dân.

Trung tá Đặng Văn Việt không trở thành anh hùng nhờ một khoảnh khắc. Ông xuất thân trong một gia đình xuất chúng ở Nghệ An. Bố ông là Đặng Văn Hướng là quan dưới thời nhà Nguyễn, và là Tổng đốc phụ trách Nghệ An. Ông là người sớm đi theo Việt Minh và nhờ ông sớm chỉ thị, trao sắc lệnh mà tránh được cuộc đổ máu khi Việt Minh thực hiện lật đổ Pháp Nhật. Sau đó, ông Hướng được nhận chức Bộ trưởng phụ trách 3 tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh.

Đặng Văn Việt sớm được học hành và tiếp xúc với phương Tây. Ông sử dụng tốt tiếng Anh, Pháp, Latin và Hy Lạp cổ.

Ông Việt là người đã treo cờ Việt Minh rộng 100 m2 tại cửa Ngọ môn, kinh thành Huế trước mũi súng của hàng trăm vệ binh, đánh dấu việc Việt Minh nắm chính quyền tại Huế. Khi đó ông mới 25 tuổi.

Chưa đầy 30 tuổi, ông là trung tá, chỉ huy một trong hai trung đoàn đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam và biến đường 4 trở thành ác mộng với thực dân Pháp. Họ gọi ông là hùm xám đường số 4. Theo thống kê, ông đã đánh thắng 116/ 120 trận, và có vai trò quyết định trong Chiến dịch Biên giới 1950. Tỷ lệ thương vong trong các trận đánh của ông là 1/10.

Sau đó ông đi học nước ngoài, về công tác tại Bộ Xây dựng và Thủy sản. Cuối đời, ông tham gia viết lách. Nhờ đó, chúng ta phần nào được biết về sự nghiệp lẫy lừng của người anh hùng ấy.

Hồi 0g55 phút sáng ngày 25/9/2021, Trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 102 tuổi. Nghĩ về cuộc đời mình, ông có lần chia sẻ, "Đi làm cách mạng là tôi đã chọn, vui có buồn có nhưng vui nhiều hơn buồn; được có, mất có nhưng được nhiều hơn mất. Tôi đã sống một cuộc đời độc lập tự do, không lệ thuộc ai, không nô lệ cho những phù phiếm ham muốn của người đời. Tiền tài, chức tước, sao biển, hưởng thụ, khen thưởng… không làm tôi lo lắng suy nghĩ, vẫn lạc quan vui với đời. Tôi giữ được sức khỏe tốt, nhờ trời Phật, bố mẹ, bản thân...

Nay gần trăm tuổi, tôi vẫn ham làm, ham vui đến nỗi có bác sĩ nói, không biết bao giờ ông Việt sẽ thoát khỏi cuộc đời này bằng lối nào... Tôi đã đạt được ước vọng lớn nhất của người đời là thoát khỏi cảnh lầm than nô lệ, được thấy Đất nước độc lập, tự do, thống nhất, nhân dân ngày càng ấm no hạnh phúc…”

Bài viết của độc giả Nguyễn Tuấn Bình, gửi từ hòm thư "[email protected]"

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.