Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Khối ngoại ''xả hàng'' mạnh nhất 3 tháng qua

Chuyện lạ 17/03/2024 - 20:15

Khối ngoại bán ròng gần 3.000 tỷ đồng trên quy mô toàn thị trường. Động thái này diễn ra trong bối cảnh tỷ giá USD/VND tăng mạnh và NHNN đẩy mạnh hút tiền về qua kênh tín phiếu.

Khối ngoại ''xả hàng'' mạnh nhất 3 tháng qua - ảnh 1

Khối ngoại bán ròng gần 3.000 tỷ đồng trong tuần 11-15/3. Ảnh: Nam Khánh.

VN-Index vừa trải qua tuần giao dịch với hàng loạt diễn biến bất ngờ. Ngay từ đầu tuần, chỉ số chính đại diện sàn HoSE đã điều chỉnh gần 12 điểm, nâng tổng mức thiệt hại tính cả phiên 8/3 lên hơn 32 điểm.

Trong 2 phiên kế tiếp, VN-Index phục hồi mạnh mẽ và lấy lại hơn 35 điểm. Tuy nhiên, việc bước vào vùng tâm lý quan trọng quanh mốc 1.270 điểm một lần nữa tạo điều kiện để áp lực chốt lời thắng thế và đẩy chỉ số lùi lại trong 2 phiên cuối tuần.

Như vậy, so với đầu tuần, chỉ số tăng 16,5 điểm (+1,3%) và tạm dừng ở mốc 1.263,73 điểm. Thanh khoản bình quân toàn thị trường giảm nhẹ 6% nhưng vẫn duy trì ở ngưỡng cao, đạt 28.200 tỷ đồng/phiên.

Cổ phiếu cao su, hóa chất dẫn dắt chỉ số

Chỉ có BID và VIB là 2 đại diện ngân hàng xuất hiện trong top 10 cổ phiếu tác động tích cực lên chỉ số tuần qua. Kết thúc phiên giao dịch 15/3, cổ phiếu BID đóng cửa ở mốc 52.200 đồng/đơn vị còn VIB dừng ở mốc 22.500 đồng/đơn vị, tăng lần lượt 2% và 4% so với đầu tuần.

Các bluechip ngân hàng trong rổ VN30 không còn chiếm sóng trong nhóm kéo chỉ số. Thay vào đó, dòng tiền chuyển hướng sang vào nhóm cổ phiếu cao su, hóa chất và công nghệ như GVR, FPT, GAS, VTP hay DGC.

Khối ngoại ''xả hàng'' mạnh nhất 3 tháng qua - ảnh 2

VN-Index rung lắc mạnh trước mốc 1.270 điểm. Ảnh: TradingView.

Điển hình như mã GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam ghi nhận 5 phiên tăng liên tiếp, bao gồm một phiên tăng kịch biên độ, để tiến lên mốc 34.600 đồng/cổ phiếu. Với việc thị giá tăng hơn 19%, vốn hóa của tập đoàn cũng phình to thêm 22.000 tỷ đồng.

Đối với Viettel Post, cổ phiếu VTP của doanh nghiệp này đang có tuần giao dịch “như mơ”. Không chỉ là hiện tượng sáng trên thị trường UPCoM, VTP tiếp tục thu hút sự chú ý từ nhà đầu tư khi liên tiếp tăng trần kể từ ngày chuyển sang giao dịch trên HoSE. Trong 4 phiên giao dịch đầu tiên trên HoSE, thị giá VTP đã tăng 38% và dừng ở mốc 94.100 đồng/cổ phiếu.

Theo ông Trần Lâm Bình, chuyên gia phân tích từ Học viện New World Education, nhóm cổ phiếu cao su đang hưởng lợi từ xu hướng giá cao su thế giới tăng cao. Hiện giá cao su thế giới đang neo ở mức cao nhất trong vòng 7 năm qua.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin, viễn thông như FPT được đặt nhiều kỳ vọng nhờ cuộc chạy đua sản xuất chip phục vụ công nghiệp AI và triển vọng triển khai 5G diện rộng trong thời gian tới.

Với việc phục hồi của ngành sản xuất, nhu cầu hóa chất công nghiệp tăng cao, đặc biệt là nhóm hóa chất phục vụ sản xuất pin lithium cho xe điện và chip, ông Bình cũng cho rằng cổ phiếu ngành hóa chất như DGC sẽ tiếp tục thu hút nhà đầu tư.

Khối ngoại có tuần bán ròng mạnh nhất 3 tháng

Tuần vừa rồi, các nhà đầu tư bán ròng 2.846 tỷ đồng trên cả 3 sàn. Đây cũng là thời điểm 2 quỹ ETF là FTSE và VNM chốt danh mục quý I.

Tính riêng trên HoSE, dòng tiền ngoại tỏ ra e dè khi chỉ mua vào 339 triệu cổ phiếu trong khi bán ra 432 triệu cổ phiếu, tương đương bán ròng 93 triệu cổ phiếu với giá trị hơn 2.600 tỷ đồng.

Trong đó, danh mục bán ròng tập trung ở những cổ phiếu trụ như VNM (-531 tỷ đồng), VHM (-375 tỷ đồng), MWG (-290 tỷ đồng), MSN (-267 tỷ đồng), HPG (-189 tỷ đồng), VPB (-187 tỷ đồng).

Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài tích cực mua vào cổ phiếu chứng khoán như FTS (+200 tỷ đồng), SSI (+111 tỷ đồng), VCI (+33 tỷ đồng) hay các cổ phiếu bất động sản như KDH (+124 tỷ đồng), DIG (+80 tỷ đồng), NLG (+76 tỷ đồng), GVR (+69 tỷ đồng).

Trên sàn HNX và thị trường UPCoM, khối ngoại cũng bán ròng lần lượt 88 tỷ đồng và 155 tỷ đồng. Các cổ phiếu nhóm dầu khí như PVS (-61 tỷ đồng) và BSR (-65 tỷ đồng) lần lượt dẫn đầu danh mục bán ròng trên các sàn giao dịch này.

Khối ngoại ''xả hàng'' mạnh nhất 3 tháng qua - ảnh 3

Khối ngoại bán ròng trong giai đoạn tỷ giá tăng nóng. Ảnh: Wichart.

Theo ông Võ Văn Huy, chuyên gia phân tích từ Học viện New World Education, nguyên nhân khối ngoại bán ròng ồ ạt đến từ tình trạng tỷ giá nóng trong giai đoạn một tháng trở lại đây. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng tỏ ra thận trọng trước xu hướng hút tiền 5 phiên gần đây thông qua kênh tín phiếu với giá trị ròng đạt gần 75.000 tỷ đồng.

Ông Huy cho biết nếu nhìn thống kê một tuần và một tháng qua, có thể thấy nước ngoài đang khá ưa chuộng nhóm cổ phiếu chứng khoán, bất động sản thương mại.

“Chúng tôi cho rằng với việc Chính phủ đang hoạt động tích cực để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản cũng như cho nền kinh tế, thì nhóm ngành bất động sản thương mại sẽ tiếp tục là lựa chọn tốt cho dòng tiền nước ngoài trong thời gian tới”, vị chuyên gia nhận định.

Bên cạnh đó, ngành bán lẻ đang được kỳ vọng sẽ phục hồi và tăng trưởng tốt trong năm nay do nền thấp của 2022 và 2023. Đây cũng là nhóm từng được dòng tiền nước ngoài yêu thích giai đoạn 2016-2019.

Chuyên gia này đánh giá hiện trạng thái thị trường tương đối cân bằng, nước ngoài bán ròng chủ yếu ở nhóm vốn hóa lớn. Tuy nhiên, dòng tiền cá nhân trong nước lại tương đối bình tĩnh và hoạt động mạnh ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa.

“Nếu đà bán ròng này tiếp tục kéo dài thêm một tuần nữa, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý của nhà đầu tư trong nước cũng như chỉ số chứng khoán ngắn hạn theo hướng tiêu cực”, ông Huy chia sẻ.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.