Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Làm sao để bạo lực học đường không còn "đất sống": Góc nhìn từ chính học sinh và lời khuyên của chuyên gia giáo dục

Giáo dục 29/03/2024 - 04:45

Các bạn học sinh hiện nay nghĩ gì về vấn nạn bạo lực học đường?

Bạo lực học đường đã và đang trở thành một trong những vấn đề nhức nhối mà xã hội phải đối mặt. Bạo lực học đường có thể bao gồm các hình thức như: bạo lực thể chất (đánh đập, xô xát, cướp bóc,...), bạo lực tinh thần (chửi rủa, xúc phạm, khinh miệt, cô lập,...), bạo lực tình dục (sàm sỡ, quấy rối, xâm hại,...), bạo lực trên mạng xã hội (đăng tải thông tin sai sự thật, phỉ báng, uy hiếp,...).

Trước tình trạng ngày càng ra tăng của tình trạng bạo lực học đường, theo ghi nhận, các bạn học sinh hiện nay đã bắt đầu có nhìn nhận nghiêm túc hơn về vấn đề này.

Học sinh nghĩ gì về tình trạng bạo lực học đường hiện nay?

Học sinh có "làm ngơ" khi chứng kiến bạo lực học đường?

Hỏi một số bạn học sinh THCS và THPT tại một số điểm trường tại TP.HCM, đa phần các bạn nhận định tình trạng bạo lực học đường hiện nay diễn ra vô cùng phức tạp. Biểu hiện của bạo lực học đường không chỉ dừng lại ở những hành động chân tay, thông qua những lời nói xỉa xói, kích bác lẫn nhau mà còn cả bạo lực trên mạng xã hội. Dù hình thức bạo lực là gì đi chăng nữa, đa phần nạn nhân sẽ bị khủng hoảng về cả thể chất lẫn tinh thần.

Còn khi chứng kiến một vụ bạo lực học đường, các bạn học sinh sẽ có những cách xử lý khác nhau. Một nữ sinh tên N.L. chia sẻ, nữ sinh sẽ ra… "hóng" ngay khi thấy một đám đông đang tụ tập lại. Nữ sinh được ba mẹ, nhà trường chia sẻ về kiến thức về bạo lực học đường rằng không nên dính líu đến những vụ việc đó, nhưng nếu ai đó cần giúp đỡ thì cũng nên dang tay ra hỗ trợ họ. Tương tự, nữ sinh B.C. khi thấy một đám đông túm tụm lại cũng sẽ tò mò xem chuyện gì đã xảy ra.

Ngược lại, một nữ sinh khác tên B.N khi được hỏi thấy một vụ bạo lực học đường có ra "hóng" không lại lựa chọn "không tham gia" và cũng không đứng đó theo dõi. Thay vào đó, nữ sinh sẽ nói với giáo viên để tìm ra hướng giải quyết vấn đề.

Đó cũng chính là cách giải quyết của T.H. khi chứng kiến một vụ bạo lực học đường: "Em sẽ kêu cô. Còn không sẽ an ủi và giúp đỡ bạn một phần gì đó". Trong khi đó, nữ sinh A.A. cho hay sẽ cân nhắc từng mức độ để cân nhắc hành động của bản thân khi chứng kiến ai đó bị bạo lực, nhưng với quan điểm cứ giúp được là sẽ giúp.

Làm sao để bạo lực học đường không còn

A.A quan niệm giúp ai được là sẽ giúp

Theo ghi nhận, không ít bạn học sinh chọn cách "không can thiệp" khi chứng kiến bạo lực học đường bởi lẽ, đôi khi "ra tay" không những không ngăn cản được mà còn khiến bản thân bị dính líu vào vụ việc đó nữa. Tâm lý này thực chất không sai, thậm chí còn rất phổ biến. Theo nhiều chuyên gia, việc không đứng ra hay không lên tiếng khi thấy người khác bị bạo lực là một tâm lý rất bình thường, đây là phản xạ tự bảo vệ bản thân có điều kiện trong tiềm thức.

Làm gì khi không may trở thành đối tượng của bạo lực học đường?

Ai cũng có thể trở thành "nạn nhân" của vấn nạn bạo lực hiện nay ngay kể cả khi chúng ta không làm gì, không "gây thù chuốc oán" gì với ai. Vậy nên, biết cách xử lý khi rơi vào tình huống này là một điều vô cùng cần thiết.

Khi được đặt trong trường hợp giả định, chẳng may "anh chị đại" đứng chờ ở cổng trường, các bạn sẽ có những cách xử lý khác nhau. Bạn T.M. sẽ cảm thấy vô cùng hoảng sợ khi không hiểu lý do tại sao "nạn nhân" của vấn nạn này lại là mình. Còn nam sinh M.K thì chọn đi nơi khác để tránh "đụng độ" trực tiếp với nhóm "anh chị đại" đó.

Làm sao để bạo lực học đường không còn

Nam sinh này chọn cách né tránh đụng độ với nhóm "anh chị đại"

Cũng có nhiều bạn trẻ chọn cách… nói thẳng vấn đề với cha mẹ với phụ huynh sẽ có cách để bảo vệ con cái khỏi vấn nạn này, từ đó không dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về sau, chẳng hạn như nữ sinh có tên P.N. "Em sẽ trấn an bản thân rồi sẽ đi kể lại sự việc cho những người mà mình tin tưởng", P.N. nói.

Tương tự, T.M chia sẻ: "Bố mẹ em rất cởi mở chia sẻ khi nào chẳng may bị bạo lực thì phải nói ngay với mẹ để giải quyết".

Làm sao để bạo lực học đường không còn

T.M sẽ nhờ sự giúp đỡ của gia đình nếu không may trở thành nạn nhân của bạo lực học đường

Tóm lại, nếu một ngày bạn phát hiện mình trở thành nạn nhân của bạo lực học đường, việc đầu tiên bạn cần làm là đảm bảo an toàn cho bản thân mình. Bạo lực học đường không chỉ là một hành động khiêu khích cảm xúc tạm thời mà còn có thể gây ra những tổn thương lâu dài cả về thể chất lẫn tinh thần. Vậy, hãy cùng tìm hiểu những bước cần thực hiện để bảo vệ bản thân và biết được khi nào cần sự can thiệp của cơ quan pháp luật.

Nếu bạn đang ở trong tình huống bị đe dọa hoặc bị hành hung, hãy nhanh chóng tìm kiếm sự an toàn. Đó có thể là việc tìm đến một nơi đông người hoặc gần những người có thẩm quyền như giáo viên, nhân viên an ninh. Đôi khi, sự can thiệp kịp thời từ những người xung quanh có thể ngăn chặn nguy cơ bị bạo lực tiếp tục.

Gia đình là chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất cho bạn. Hãy mở lòng và chia sẻ với họ về những gì bạn đang trải qua. Sự hỗ trợ từ gia đình không chỉ giúp bạn cảm thấy an toàn hơn mà còn là nguồn lực quan trọng để can thiệp vào vấn đề một cách hợp pháp và hiệu quả. Ngoài ra, bạn không nên ngần ngại khi đề nghị sự giúp đỡ từ giáo viên, cố vấn học đường, hoặc ban giám hiệu.

Đặc biệt, trang bị kỹ năng tự vệ không chỉ giúp bạn tự tin hơn trong việc bảo vệ bản thân mà còn giảm thiểu nguy cơ trở thành mục tiêu của kẻ bắt nạt. Việc duy trì sức khỏe và thể chất cũng là cách để tăng cường sự tự chủ của bạn trước mọi tình huống.

Giáo viên có thể là "nạn nhân" của bạo lực học đường không?

Câu trả lời là có.

Thời gian qua, nhiều vụ bạo lực học đường nghiêm trọng xảy ra. Những hành vi thiếu chuẩn mực không chỉ có sự tham gia của những học sinh cá biệt mà cả tập thể lớp học sinh đối với người thầy, người cô dạy mình. Đơn cử như sự việc xảy ra ở Tuyên Quang từng gây xôn xao MXH hồi đầu tháng 12/2023. Một nhóm học sinh ở trường THCS Văn Phú (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) đã khóa cửa, dồn cô giáo vào góc lớp và xúc phạm giáo viên bằng những lời lẽ thiếu tôn trọng... Đỉnh điểm, nhóm học sinh này còn ném dép vào đầu khiến cô giáo ngất xỉu.

Làm sao để bạo lực học đường không còn

Vụ việc giáo viên ở Tuyên Quang bị học sinh hành hung

Đáng nói, đây không phải là những sự việc hiếm hoi xảy ra. Nhiều vụ việc giáo viên là "nạn nhân của bạo lực học đường", bị học trò, phụ huynh lăng mạ, hành hung vẫn xảy ra.

Trước đó, tháng 5/2023, giáo viên trường THPT Lê Duẩn, tỉnh Đắk Nông bị phụ huynh học sinh đến nhà đánh đập vì xếp hạnh kiểm học sinh loại trung bình. Hay tháng 10/2022, mạng xã hội xôn xao clip nữ sinh lớp 12 trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Khánh Hòa) "cãi tay đôi" và dùng nhiều lời lẽ thô tục với thầy giáo.

Học sinh tham gia bạo lực học đường, xử lý thế nào?

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam cho rằng hình phạt cho những kẻ bắt nạt học đường cũng cần hướng tới mục đích giáo dục và cần phải thông qua những tìm hiểu cặn kẽ, tìm ra nguyên nhân cụ thể thay vì vội vàng kết luận.

"Khi xử lý những vụ việc liên quan, chúng ta cần phân tích kỹ và đi sâu vào từng tiểu tiết để phân định rạch ròi đúng sai, trắng đen. Ví dụ, trong một nhóm học sinh tham gia vào vụ việc bạo lực đấy, có những em đầu têu, cần xử lý nặng hơn. Có những em hùa theo một cách công khai, tích cực đầy phản cảm, thì cũng phải xem xét kỷ luật thích đáng. Còn những em tham gia một cách thụ động, tức là dù không ủng hộ nhưng cũng không dám lên tiếng vì một số lý do chẳng hạn như lo lắng sẽ bị các bạn trong lớp tẩy chay, thì cũng phải có hình thức xử lý khác. Tóm lại, từng nhóm đối tượng khác nhau, phải có hình thức kỷ luật khác nhau", PGS.TS Trần Thành Nam nói.

Bên cạnh kỷ luật, PGS.TS Trần Thành Nam khuyên các nhà làm giáo dục cần có hình thức giáo dục kèm theo để giải quyết vấn đề một cách triệt để. Điều này có nghĩa là, giáo dục ở đây không chỉ có giáo dục học sinh, mà còn giáo dục cả phụ huynh những học sinh tham gia bạo lực và phụ huynh nạn nhân nữa. Bố mẹ phải được hướng dẫn những phương pháp kỷ luật với con cái của họ, đồng thời bản thân bố mẹ cũng cần giữ được sự bình tĩnh, công tâm, tránh để cảm xúc lấn át từ đó đưa ra những cách giải quyết thiếu xác đáng.

Làm sao để bạo lực học đường không còn

PGS.TS Trần Thành Nam

Tại phiên chất vấn của Quốc hội về lĩnh vực giáo dục và đào tạo chiều 7/11/2023, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn dẫn số liệu thống kê tính từ ngày 1/9/2021 cho đến ngày 5/11/2023, cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường liên quan đến 2.016 học sinh, trong số đó có 854 học sinh là nữ. Như vậy, cứ bình quân 50 cơ sở giáo dục thì xảy ra 1 vụ bạo lực học đường. Đáng lưu ý, các vụ bạo lực có số học sinh nữ tham gia nhiều hơn.