Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Lo âu, hồi hộp và rưng rưng

Giáo dục 07/07/2022 - 08:13

TTO - Đó là tâm trạng của những bậc làm cha, làm mẹ khi con bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Lo âu, hồi hộp và rưng rưng - ảnh 1

Phụ huynh chờ con làm thủ tục thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Chiều 6-7, cơn mưa rào bất ngờ đổ xuống nhiều nơi trên địa bàn TP.HCM đúng lúc các sĩ tử đang làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT. Trận mưa khiến nhiều phụ huynh đang đứng đợi con bên ngoài các điểm thi lật đật tìm chỗ trú. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều người mặc áo mưa đứng "chịu trận" để chờ con.

Con tôi chỉ yêu cầu ba mẹ làm điều duy nhất: khi đến đón con đừng hỏi con có làm bài được không.

Chị Tâm (phụ huynh có con thi ở Trường THCS Trần Văn Ơn, quận 1, TP.HCM)

Mong được công bằng, khách quan

Chị Nguyễn Thị Hà - phụ huynh có con thi tại Trường THCS Võ Trường Toản, quận 1 - nói: "Giờ chạy đi tìm chỗ trú mưa thì phải đi xa, lúc con ra khỏi điểm thi sẽ không thấy mẹ đâu. Thôi, cứ đứng ở đây cho chắc, con ra là được đón về nhà ngay, ăn uống nghỉ ngơi để mai còn ứng thí".

Chị Hà kể mình đã xin nghỉ phép ba ngày để "đi thi" cùng con: "Cháu đã 18 tuổi nên việc chuẩn bị vật dụng để đi thi tôi để con chủ động lo liệu. Mẹ chỉ đồng hành bằng cách nấu những món bổ dưỡng, cho con ăn uống đầy đủ, động viên tinh thần... Có thể những thí sinh khác không cảm thấy áp lực nhưng con tôi dự thi lần này với cả hai mục đích: xét tốt nghiệp và tuyển sinh vào Trường ĐH Y dược TP.HCM. Do đó, con lo 1 thì mẹ lo 10".

Chị Hà kỳ vọng: "Tôi mong những người làm công tác thi hãy thực hiện đúng quy định, quy chế và giữ đúng lương tâm của nhà giáo. Con tôi và hàng triệu sĩ tử khác đã trải qua 12 năm miệt mài đèn sách, đây là kỳ thi quyết định tương lai của các con. Tôi mong muốn nó phải là một kỳ thi nghiêm túc, công bằng và khách quan. Năng lực của học sinh như thế nào thì điểm thi sẽ phản ánh đúng năng lực ấy. Các cơ quan hữu quan đừng để xảy ra tiêu cực như những năm trước".

Trong khi đó, tại cổng điểm thi Trường THCS Trần Văn Ơn, quận 1, câu chuyện dưới mưa của các phụ huynh bỗng trở nên rôm rả khi chị Tâm, phụ huynh có con gái thi ở đây, kể: "Con tôi chỉ yêu cầu ba mẹ làm điều duy nhất: khi đến đón con đừng hỏi con có làm bài được không". 

Một ông bố phụ họa ngay: "Ôi, sao giống thằng con trai của tôi thế. Nó bảo bố mà hỏi như vậy thì con cũng sẽ không trả lời đâu". Phụ huynh kia nói thêm: "Thì đúng quá rồi còn gì, nếu làm bài được còn đỡ. Nếu không làm bài được mà nghe câu hỏi này các con sẽ áp lực lắm"...

Anh Vũ Nguyễn Hồng Văn - phụ huynh đứng chung nhóm, nhà ở TP Thủ Đức - phân tích: "Tôi đã học được điều này từ khi con tôi thi tuyển sinh vào lớp 10. Hôm ấy, đứng chung nhóm với tôi là các bà mẹ, khi thấy con ra khỏi phòng thi thì cả nhóm xúm lại, hỏi liên tục có làm bài được không con, đề thi có dễ không, đề ra cái gì... Con gái của một trong các bà mẹ ấy òa khóc nức nở và leo lên xe kêu mẹ chở về ngay. Con trai tôi lững thững ra sau, tôi đã rút kinh nghiệm nên chỉ cười và đưa cho cháu chai nước ép trái cây: "Uống đi rồi mình về, con!" chứ tuyệt nhiên không dám hỏi gì về bài thi".

Anh Văn kể thêm: "Trên đường về, cháu kể cho tôi nghe rằng bạn òa khóc lúc nãy là bạn học chung lớp với con, bạn học tủ nên không làm được bài. Cháu còn nói cháu làm được bài nhưng cũng không muốn ba mẹ hỏi mình có làm bài được không vì thấy áp lực và khó chịu lắm. Tôi không thể nào quên câu nói của con, rằng có làm được hay không làm được thì cũng qua rồi mà, ba mẹ hỏi như vậy thì cũng đâu thể thay đổi tình thế. Chỉ cần ba mẹ động viên con để con tự tin làm tốt những bài thi còn lại là được rồi".

Lo âu, hồi hộp và rưng rưng - ảnh 2

29 học sinh Trường THCS-THPT Thạnh An (Cần Giờ, TP.HCM) đến ở tại Trường THCS Bình Khánh để dự thi tại hội đồng thi Trường THPT Bình Khánh, Cần Giờ - Ảnh: THU HƯƠNG

"Lo lắng cũng đừng biểu lộ"

Chị Thu Hằng (phụ huynh Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội) kể: "Con đã có tên trong danh sách đỗ tạm thời vào một trường đại học nhưng trước một kỳ thi lớn, tôi vẫn hồi hộp, lo lắng. Nhưng chồng tôi bảo lo tới mấy cũng đừng biểu lộ, cần vui vẻ để con thoải mái, yên tâm đi thi. Thế nên tôi quyết định không xin nghỉ phép nữa. Con thi ở gần nhà nên muốn tự đến điểm thi. Tôi thấy cũng hợp lý vì con đã lớn rồi. Sau kỳ thi này con đã thực sự là một chàng trai trưởng thành. Tôi chỉ chuẩn bị đồ ăn cho cả nhà vào các buổi con thi và cùng nhắc con mang đồ dùng đi thi như hướng dẫn của cô giáo".

"Con thích đi ăn kem và dạo một vòng hồ Gươm sau khi làm thủ tục dự thi. Cả nhà tôi thu xếp đi chơi theo ý muốn của con. Đó là một cách gián tiếp động viên sĩ tử trong nhà mình, cũng là cách để giải tỏa nỗi lo không cần thiết của chính mình" - chị Hằng chia sẻ.

Chị Thanh Hồng - phụ huynh khác có con học lớp 12 Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội) - lại cho biết: "Con không bị áp lực nhiều về kỳ thi. Nhưng với tôi, kỳ thi này là một sự kiện quan trọng của con. Vì thế, tôi đã xin nghỉ phép. Tôi vẫn muốn trực tiếp cùng con kiểm tra lần cuối những vật dụng mang vào phòng thi để tránh sai sót và muốn nhìn thấy con từ trường thi ra. Tâm trạng tôi lúc này rất nhiều cảm xúc: hồi hộp, có chút lo âu và xúc động. Vì sau kỳ thi này con đã thực sự trưởng thành".

"Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay không còn nhiều áp lực nữa vì có nhiều phương thức xét tuyển đại học khác nhau. Tôi không bị căng thẳng vì kết quả thi của con nhưng muốn các buổi thi của con suôn sẻ không bị trục trặc, sai sót bởi những điều không đáng có" - chị Thanh Hồng chia sẻ. 

Chị Hồng cũng cho biết đường đến điểm thi của con có một quãng ngập khi có mưa lớn. Vì thế trong ngày làm thủ tục thi, hai cha con đã đi tìm một đường "sơ cua" khác để dự phòng có mưa lớn vào ngày thi. Cả nhà cũng quyết định đi sớm 20 phút để tránh những tình huống phát sinh có thể khiến con bị muộn thi.

Đêm khó ngủ của người mẹ

Trao đổi qua điện thoại, chị Ánh - một phụ huynh có con đang học tại Trường THPT Thạch Thất (ngoại thành Hà Nội) - cho biết vợ chồng chị cùng đi làm công nhân ở Bình Dương. Ngày mai con thi, chị nóng ruột như ngồi trên đống lửa nhưng không thể về quê được.

"Con động viên tôi cứ yên tâm. Bà nội nói sẽ đến trường thi cùng con nhưng con sợ bà mệt nên không đồng ý. Con nói các bạn khác cũng đều đi xe đạp đến điểm thi. Qua điện thoại thấy con vui vẻ, lạc quan nên cũng yên tâm. Con thi tốt nghiệp xong, vợ chồng tôi dự định cho con đăng ký nguyện vọng vào các trường phía Nam" - chị Ánh chia sẻ và thú nhận "dù hứa với con không lo lắng nhưng đêm nay chắc khó ngủ".

Ông Nguyễn Cửu Bảo Hùng (bác sĩ, phụ huynh ở Q.10, TP.HCM):

Chống gian lận thi cử khiến phụ huynh yên tâm

Năm nay tôi có con thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Con tôi đang ngày đêm ôn luyện để thi và lấy điểm xét vào Trường ĐH Y dược TP.HCM. Vừa qua, gian lận môn sinh trong kỳ thi năm trước được phanh phui khiến phụ huynh chúng tôi an tâm hơn rất nhiều. Bởi lẽ, thi vào những trường tốp đầu tỉ lệ cạnh tranh rất khốc liệt.

Đôi khi chỉ cần 0,25 điểm có thể quyết định số phận của những thí sinh. Do đó, con tôi phải học ngày học đêm để mong đạt được nguyện vọng của mình. Đó là chưa kể, thời gian dịch bệnh tôi hạn chế những nơi đông người, sợ lây bệnh về cho con thì lỡ việc chuẩn bị lâu dài. Ôn luyện chuẩn bị kỹ càng như vậy nên gian lận thi cử không công bằng thế nào. Đó là chưa kể con tôi phải cạnh tranh với thí sinh tự do, những thí sinh ôn luyện vài năm trước.

Bên cạnh đó, việc không cộng điểm cho thí sinh tự do tôi thấy là đúng đắn. Bởi lẽ tôi biết có những trường hợp ở các tỉnh xuống thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng ôn luyện nên điều kiện học tập rất khác. Do đó, mấy em này được cộng điểm nữa thì không công bằng lắm.