Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Ngắm những làng quê xinh đẹp đã mất trong tranh của họa sĩ khóa kháng chiến Ngô Minh Cầu

Văn hoá 11/12/2022 - 07:36

TTO - Tranh của Ngô Minh Cầu trả lại cho chúng ta trong cuộc sống quay cuồng hôm nay những xúc cảm dịu dàng trước cái đẹp của làng bản, phố phường xưa, những xúc cảm ‘nuôi nấng hồn dân tộc’, chỉ bằng ‘cõi lòng người cầm bút chân thành với cuộc sống’.

Ngắm những làng quê xinh đẹp đã mất trong tranh của họa sĩ khóa kháng chiến Ngô Minh Cầu - ảnh 1

Khách tham quan triển lãm tranh của Ngô Minh Cầu - Ảnh: T.ĐIỂU

Giữa sôi động của đời sống mỹ thuật đương đại nhiều cuống quýt đổi mới, phá cách, đôi khi tới vật vã, cắt cứa mà vẫn khó rung động được con người, triển lãm Ngô Minh Cầu - Cách nhìn phong cách đặc biệt đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tới hết ngày 12-12 là một nơi rất đáng dừng chân để tìm về cái chân của mỹ thuật và tìm về những xúc cảm sáng trong và cả tiếc nhớ trước cái đẹp quá vãng của cảnh và người Việt từ nửa thế kỷ trước.

Lâu nay nhiều người vẫn tưởng Ngô Minh Cầu là họa sĩ tranh lụa, rất giỏi về lụa, người được tin tưởng giao "trọng trách" chép lại những bức tranh lụa của các danh họa Việt Nam để làm quà tặng cho khách quý nước ngoài. 

Nhưng Ngô Minh Cầu còn rất tài năng ở tranh sơn mài, sơn dầu và màu nước. Triển lãm này phần nhiều là những sáng tác thuộc ba mảng này, trong các bộ sưu tập ở Hà Nội và TP.HCM và từ lưu trữ của gia đình.

Triển lãm và cuốn sách cùng tên để kỷ niệm tròn 30 năm triển lãm cá nhân đầu tiên của Ngô Minh Cầu và tưởng nhớ 95 năm sinh của ông.

Ngắm những làng quê xinh đẹp đã mất trong tranh của họa sĩ khóa kháng chiến Ngô Minh Cầu - ảnh 2

Một khung cảnh nông thôn thân thương ngày mùa trong tranh của Ngô Minh Cầu

Với những "tôi sinh ra ở nông thôn, mẹ tôi là nông dân", hoặc thậm chí chỉ là những người yêu cái đẹp sáng trong thì triển lãm thực sự là một dòng suối tưới lại những khô cằn. Ở đó, người xem hôm nay được gặp lại những cái đẹp lay động đã quá vãng của cảnh và người từ miền núi Tây Bắc đến đồng quê Bắc Bộ cho tới phố cổ cảng biển.

Người xem được ngược thời gian thăm lại cảnh các chị nông dân quây quần đập lúa trong sân chùa làng, cảnh dập dìu gánh gồng ngày mùa vui thôn xóm, cảnh bến đò làng gốm Thổ Hà nhộn nhịp thuyền bè, thăm ngôi làng cổ vùng Bắc Bộ với cây cầu ngói cong cong nối những xóm làng tươi vui, cổng làng Mía ở Sơn Tây cổ kính dẫn vào những đường làng quanh co có các chị các mẹ gánh gồng những gánh nuôi nấng.

Lại xem những đàn ông, đàn bà Thái đang bừa tập thể trên cánh đồng đợi những mùa vui; ngắm buổi trưa nhộn nhịp tan đồng của các cô trên đường làng Cam Đà lô xô mái tranh; ngôi chùa Trấn Quốc cổ kính, trầm mặc mà điểm vui vì bóng áo dài xanh, đỏ thanh tân của những cô gái Hà Nội đi lễ chùa, quấn quýt bên sư cô ngồi rửa thúng rau bên cầu ao chùa… hay cảnh phơi chăn, đập lúa, mắc mo cửi, tắm suối nơi bản làng Tây Bắc…

Ngắm những làng quê xinh đẹp đã mất trong tranh của họa sĩ khóa kháng chiến Ngô Minh Cầu - ảnh 3

Tranh sơn mài Tắm giếng đêm trăng của Ngô Minh Cầu trong triển lãm

Tranh của ông cho thấy tạo hình bậc thầy, ông kỹ lưỡng từ những bức ký họa chân dung, chỉn chu đến từng chi tiết, khiến có thể xem như một bức tranh.

Và hơn hết là tình cảm, là "cõi lòng người cầm bút chân thành với cuộc sống", thứ thực sự làm ta rung động ở những tài năng. Người và cảnh trong tranh của ông thật đẹp, cái đẹp dịu dàng và mát lành.

Ngô Minh Cầu thuộc thế hệ họa sĩ khóa kháng chiến, do họa sĩ Tô Ngọc Vân đào tạo, với những họa sĩ tài danh như Nguyễn Trọng Kiệm, Ngô Mạnh Lân, Lưu Công Nhân, Trần Lưu Hậu, Mai Long...

Ngắm những làng quê xinh đẹp đã mất trong tranh của họa sĩ khóa kháng chiến Ngô Minh Cầu - ảnh 4

Tranh sơn mài Mắc mo cửi của Ngô Minh Cầu trong triển lãm

Nhưng theo họa sĩ Đỗ Đức, Ngô Minh Cầu với đồng quê thôn bản gần với con người nhất, gần từ tạo hình, đến đề tài và bút pháp thể hiện.

"Nhìn những ký họa ông ghi chép thấy năng lực người vẽ, thấy lành và thấy cả cõi lòng người cầm bút chân thành như thế nào với cuộc sống… Tranh của ông cho thấy cảm xúc cuộc sống chảy vào từng khuôn vuông của giấy, của sơn, không ồn ào, không ảo, mà nó là những trong lành trước cuộc đời.

Tôi yêu những tác phẩm như thế. Nó chứa đựng tâm thành và truyền cảm tới người xem những cảm xúc yêu thương gắn bó tình người", họa sĩ Đỗ Đức đặc biệt xúc động trước "phòng tranh của lớp đàn anh đã thành di sản".