Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.

Nhà văn Mỹ hơn nửa đời người gắn bó với Việt Nam

Phái đẹp 30/04/2024 - 19:04

Đến dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày ký Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam năm nay có một nhân vật vừa đặc biệt vừa quen thuộc.

Nhà văn Mỹ hơn nửa đời người gắn bó với Việt Nam - ảnh 1

Nhà văn Lady Borton trò chuyện với con gái và cháu gái Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân dịp dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày ký Hiệp định Geneve. Ảnh: Thu Loan.

Bên ngoài hành lang hội trường nơi diễn ra lễ kỷ niệm ở Hà Nội, bà Lady Borton trò chuyện say sưa với bà Võ Hạnh Phúc, con gái Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Suốt hơn 5 thập kỷ gắn bó với Việt Nam, nhà văn Mỹ đã dành nhiều tâm huyết để nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Với khả năng nói và viết tiếng Việt không khác gì người bản xứ, bà đã dịch xong cuốn sách Hồ Chí Minh - Một chân dung, hai cuốn sách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp sang tiếng Anh, gồm: Hồi ức Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử; và Từ nhân dân mà ra; cùng với cuốn Võ Nguyên Giáp thời trẻ của Trung tướng Phạm Hồng Cư.

Nhà văn Lady Borton cho biết, điều bà trân trọng ở Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp là mọi suy nghĩ, hành động đều vì nhân dân. “Ông Giáp là học trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên khắp thế giới có lẽ chỉ có ở Việt Nam gọi Chủ tịch nước là Bác và gọi Tổng tư lệnh là Anh Cả. Cái đó rất đặc biệt và rất là Việt Nam. Ông Giáp bắt đầu từ nhân dân mà ra, ông ấy suy nghĩ về nhân dân”, bà Lady Borton nói.

Đến dự lễ kỷ niệm năm nay, người phụ nữ dáng người cao gầy say sưa kể về những nỗ lực khi tìm hiểu về cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp, để có thể giải nghĩa rất nhiều chi tiết và nhân vật trong các tác phẩm lịch sử của ông. Bà đã có nhiều lần gặp gỡ Đại tướng và các nhân chứng lịch sử để có thêm thông tin đưa vào phần chú thích của bản dịch, dù bản gốc không có.

Bà Borton đến Việt Nam từ năm 1969, khi bà 27 tuổi, để thực hiện vai trò y tá của Quaker Service, một tổ chức nhân đạo của Mỹ đến Việt Nam hoạt động tình nguyện để giúp đỡ cả hai phía, thúc đẩy hoà bình, công lý và khắc phục hậu quả chiến tranh. Nhà văn Lady Borton cho biết, bà không quan tâm đến chính trị, mà đối xử công bằng với bất kỳ ai. Bà cũng hiểu sự mất mát đau thương của cả những người lính Mỹ khi phải tham gia cuộc chiến ở đây.

Bà làm việc cho Quaker Service từ năm 1969-1971 ở tỉnh Quảng Ngãi, sau đó trở thành nhà văn và nhiếp ảnh gia tự do. Là người không theo phe nào, bà được đi lại tự do trong giai đoạn này. “Mối nguy hiểm lớn nhất mà tôi cảm thấy là bị xe Mỹ lao vào khi ra đường”, bà kể trong một cuộc trả lời phỏng vấn.

Bà đi lại giữa Việt Nam và Mỹ nhiều lần đến mức không thể đếm được. Người phụ nữ có tên tiếng Việt là Út Lý trở lại vào những năm 1980 để viết cuốn sách After Sorrow (Tiếp sau nỗi buồn), kể về thời gian bà ở vùng nôn thôn Việt Nam trong chiến tranh.

Cuốn sách kể câu chuyện về những người Việt Nam bình thường mà người Mỹ cầm súng đến đây nhưng chưa bao giờ hiểu. Nhà văn Lady Borton biết rõ họ trong thời gian làm việc ở trung tâm phục hồi chức năng của Quaker Service, dành cho những người dân thường bị cụt chi ở miền Nam Việt Nam.

Trong cuốn hồi ký vô cùng cảm động này, những người bạn ở Việt Nam của bà kể lại công việc của họ để góp phần vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, như giấu súng dưới thùng nước mắm trên ca nô, trèo đèo lội suối, bắt tù binh hay khóc thương chồng. Cuốn sách giúp ích rất nhiều cho sự hiểu biết, bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ.

Sau khi chiến tranh kết thúc, nhà văn Lady Borton vẫn thấy có rất nhiều điều muốn làm ở Việt Nam.

Bạn bè cũng giữ chân bà, trong số đó có cả những cựu chiến binh Mỹ trở lại.

Bà gặp Đại tá Thủy quân lục chiến Chuck Meadows vào cuối những năm 1990, khi ông trở lại Việt Nam trong nhiệm vụ khắc phục những thiệt hại từ cuộc chiến tranh. Ông trở thành giám đốc điều hành của PeaceTrees Vietnam, một tổ chức giúp người Việt Nam tìm kiếm và vận chuyển an toàn bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Khi một nơi nào đó được dọn sạch bom mìn, nhóm của ông sẽ trồng cây ở đó.