Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.

Ông Ngô Chí Dũng: VPBank vẫn quan tâm cho vay bất động sản

Kinh tế 29/04/2024 - 15:18

Chủ tịch HĐQT VPBank cho rằng bất động sản vẫn là lĩnh vực cho vay an toàn và được tất cả ngân hàng quan tâm. Tuy nhiên, quá trình cho vay cần có đánh giá đúng về nhu cầu.

Ông Ngô Chí Dũng: VPBank vẫn quan tâm cho vay bất động sản - ảnh 1

Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank. Ảnh: VPB.

Tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 diễn ra sáng 29/4, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank, đã có những đánh giá về thị trường bất động sản cũng như hoạt động cho vay lĩnh vực này của ngân hàng.

Theo đó, bất chấp những khó khăn mà ngành bất động sản gặp phải năm qua, ông Dũng cho rằng cho vay bất động sản vẫn là lĩnh vực rất an toàn và được VPBank quan tâm.

Theo ông Dũng, việc cho vay bất động sản không an toàn chỉ xuất hiện khi cho vay với tỷ lệ quá cao, cũng như việc người dân, chủ đầu tư tham gia khi thị trường “sốt nóng” dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực.

Cho vay bất động sản vẫn hấp dẫn

“Từ góc độ ngân hàng, VPBank không xác định chung chung là cho vay bất động sản mà chia rõ từng phân khúc cụ thể. Trong đó, bất động sản nhà chung cư, nhà ở xã hội người dân có nhu cầu ở thực vẫn được chú trọng cho vay”, ông Dũng chia sẻ và cho biết thêm ngược lại với sản phẩm bất động sản mang tính đầu cơ cao, VPBank sẽ không tham gia tài trợ.

“Bất động sản vẫn là ngành mà tất cả ngân hàng quan tâm. Tuy nhiên, trong quá trình cho vay cần có đánh giá đúng, chi tiết về các loại hình phù hợp với nhu cầu thị trường”, Chủ tịch VPBank nhấn mạnh.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank, cho biết bất động sản là lĩnh vực cho vay quan trọng, tiềm năng, vẫn mang lại lợi ích cho xã hội và bản thân ngân hàng. Tuy nhiên, việc cho vay lĩnh vực này cần được quản lý và kiểm soát chặt chẽ.

Bất động sản vẫn là ngành mà tất cả ngân hàng quan tâm. Tuy nhiên, trong quá trình cho vay cần có đánh giá đúng, chi tiết về các loại hình phù hợp với nhu cầu thị trường

Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank

Theo ông, những rủi ro trong lĩnh vực bất động sản gặp phải năm vừa qua là bài học cho các ngân hàng. Trong đó, các dự án để đáp ứng điều kiện cho vay cần hoàn thiện hồ sơ pháp lý đầy đủ. Bản thân ngân hàng cũng cần tập trung vào phân khúc nhu cầu ở thực, tránh phân khúc đầu cơ.

Cập nhật về tỷ trọng cho vay bất động sản của VPBank, ông Vinh cho biết hiện tỷ trọng cho vay với nhóm doanh nghiệp bất động sản, xây dựng theo tiêu chuẩn xếp nhóm của Ngân hàng Nhà nước là hơn 19% tổng dư nợ, và tỷ lệ cho vay người mua nhà là 16%.

“Tổng cộng đâu đó khoảng 34-35% dư nợ là cho vay bất động sản. Trong đó, cho vay mua nhà có số dư khoảng 90.000 tỷ đồng. Năm vừa qua, số dư này có giảm một chút do nhiều dự án phải tạm dừng thi công. Tuy nhiên, phân khúc nhà phố, nhà thổ cư có giấy tờ đầy đủ vẫn ghi nhận tăng trưởng. Hiện VPBank vẫn là một trong 3 ngân hàng có số dư cho vay mua nhà lớn nhất nhóm cổ phần tư nhân”, ông Vinh nói.

Về rủi ro cho vay bất động sản, lãnh đạo VPBank cũng cho biết cho vay bất động sản khi thị trường chung không thuận lợi có thể khiến nợ xấu lĩnh vực này tăng nhanh. Tuy nhiên, nợ xấu bất động sản cũng là nhóm có khả năng xử lý cao nhất khi thị trường phục hồi.

“Hiện tại, các khoản nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản khi mang ra xử lý VPBank vẫn đảm bảo thu được 100% nợ gốc. Nợ lãi thì tùy trường hợp, có thể 50-70%. Tỷ lệ mất gốc trong cho vay bất động sản là rất thấp nếu so với các ngành nghề khác”, ông Vinh nói thêm.

Lý do muốn nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém

Cũng tại phiên họp, nhiều cổ đông VPBank đặt câu hỏi liên quan kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém. Ông Ngô Chí Dũng cho biết về mặt năng lực tài chính, quản trị rủi ro, không phải ngân hàng nào cũng có thể tham gia tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng.

Vị chủ tịch cho biết vấn đề của các ngân hàng chuyển giao bắt buộc là lỗ lũy kế rất lớn và vẫn đang tiếp tục lỗ. “Do đó, về góc độ tài chính, hầu hết ngân hàng không muốn tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém”, ông nói.

Tuy vậy, việc tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém sẽ mang lại cơ hội tăng trưởng quy mô cao hơn cho VPBank, điều này phù hợp với chiến lược của ngân hàng.

Theo ông, tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém sẽ mang lại một số lợi thế cho VPBank như được giao hạn mức tăng trưởng tín dụng cao. Với sự tham gia của đối tác chiến lược SMBC (Nhật Bản), VPBank có nền tảng vốn lớn, khi tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém được hưởng cơ chế tăng trưởng tín dụng cao hơn là điều kiện cần và đủ để thực hiện chiến lược tăng trưởng quy mô nhanh.

Ông Ngô Chí Dũng: VPBank vẫn quan tâm cho vay bất động sản - ảnh 2

VPBank kỳ vọng việc tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém sẽ mở ra cơ hội tăng trưởng nhanh về quy mô tài sản và vốn. Ảnh: VPB.

Ngoài ra, ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc cũng sẽ được mở room nước ngoài (hiện room ngoại của các ngân hàng tối đa là 30%). “Sẽ có những nhà đầu tư nước ngoài mong muốn tăng sở hữu tại VPBank và ngân hàng không loại trừ điều này. Do đó, việc có thể được nới room ngoại cũng là điều kiện cần thiết để ngân hàng tiếp tục tăng trưởng quy mô tài sản và vốn”, ông Dũng nhấn mạnh.

“Có thể các ngân hàng khác không quan tâm, nhưng lại rất phù hợp, hấp dẫn với chiến lược của VPBank. Đó chính là lý do chúng ta tham gia”, ông Dũng nói thêm và cho biết việc tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém để hệ thống tốt hơn, nếu ngân hàng có năng lực để làm thì không có lý do gì không tham gia để đóng góp cho hệ thống vận hành an toàn, ổn định.

Về hợp tác với SMBC, ông Dũng cho biết hợp tác này ngoài việc giúp VPBank tăng quy mô vốn chủ sở hữu, năng lực tài chính, còn giúp ngân hàng tăng khả năng quản trị, cũng như việc tiếp cận nguồn vốn rẻ hơn và nguồn khách hàng mới.

Theo ông, Việt Nam là quốc gia có môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh rất tốt cho các doanh nghiệp quốc tế, FDI. Tuy nhiên, hiện không phải ngân hàng nào cũng có thể tham gia cho vay vào lĩnh vực này. Với sự tham gia của SMBC, lãnh đạo VPBank tin rằng có thể tham gia vào lĩnh vực FDI. Dự báo trong tương lai, khối khách hàng lớn, FDI cũng sẽ là một trong những trụ cột phát triển của ngân hàng.

“Chiến lược VPBank trước đây là tập trung vào lĩnh vực bán lẻ thì nay với sự tham gia của SMBC, chiến lược của ngân hàng sẽ là đa năng, không chỉ bán lẻ, SME mà còn cả khách hàng lớn, khách hàng FDI”, ông Ngô Chí Dũng nhấn mạnh.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.