Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.

Pháp muốn một mùa Olympics không tiếng Anh

Du lịch 05/05/2024 - 10:55

Các nghị sĩ Pháp lên tiếng kêu gọi tôn trọng ngôn ngữ quốc gia tại Olympics sắp tới. Đây được cho là nước đi mới sau cuộc chiến loại bỏ tiếng Anh khỏi ấn phẩm truyền thông Pháp.

Pháp muốn một mùa Olympics không tiếng Anh - ảnh 1

Pháp muốn một mùa Olympics không tiếng Anh nhằm giữ gìn sự thuần khiết và sức ảnh hưởng của tiếng Pháp. Ảnh: WSJ.

Hạ viện Pháp kêu gọi các nhà tổ chức Thế vận hội Paris 2024, các vận động viên, huấn luyện viên và nhà báo sử dụng tiếng Pháp nhiều nhất có thể tại sự kiện thể thao lớn nhất thế giới diễn ra vào mùa hè này.

Một nghị quyết liên quan đến vấn đề trên được thông qua vào hôm 2/5, theo France24 - kênh truyền hình tin tức của Chính phủ Pháp.

Trong khi đó, Bộ trưởng Văn hóa và Thông tin Pháp Rachida Dati cho biết bản hướng dẫn cho du khách nước ngoài trong Thế vận hội (diễn ra vào ngày 26/7-11/8) và Paralympics (từ ngày 28/8-8/9) sẽ được cung cấp bằng tiếng Anh cũng như một số ngôn ngữ khác.

Nhà tài trợ bảo thủ của nghị quyết Annie Genevard báo động về việc Thế vận hội Paris năm nay làm giảm tầm ảnh hưởng của tiếng Pháp.

Bà nhắc lại cụm từ "Made for Sharing" (Được làm ra để sẻ chia) - khẩu biệu gây tranh cãi được sử dụng ở lần quảng bá đấu thầu đầu tiên của Paris cho Thế vận hội - và dòng chữ "Rugby World Cup" (Cúp bóng bầu dục thế giới) trên áo đấu của đội bóng bầu dục Pháp vào năm ngoái, thay vì "La Coupe du Monde de rugby".

"Tất cả những ví dụ này chứng minh rằng cuộc chiến lấy lại vị thế của tiếng Pháp vẫn sẽ tiếp diễn", Genevard khẳng định.

Pháp muốn một mùa Olympics không tiếng Anh - ảnh 2

Hướng dẫn cho du khách nước ngoài trong Thế vận hội vẫn sẽ có tiếng Anh, theo bà Rachida Dati, Bộ trưởng Văn hóa và Thông tin Pháp. Ảnh: Paris 2024.

Trước đó, Thế vận hội Paris cũng bị kéo vào một cuộc tranh cãi về ngôn ngữ khi có tin đồn rằng nghệ sĩ người Pháp Malian Aya Nakamura sẽ biểu diễn trong lễ khai mạc. Một số bên cho rằng cô ca sĩ không đại diện cho "di sản, giá trị và bản sắc Pháp" vì sinh ra ở Mali (thuộc địa Pháp), theo CNN.

Cách đây 30 năm, tức 1994, các nhà lập pháp nước này thông qua luật Toubon - luật quy định về việc sử dụng tiếng Pháp trong các ấn phẩm chính thức của chính phủ như quảng cáo, dán nhãn sản phẩm và thông báo công khai. Các đài phát thanh phải phát tối thiểu 40% bài hát tiếng Pháp.

Nhưng sức ảnh hưởng của tiếng Anh ngày càng tăng bởi các nền tảng phát trực tuyến như Netflix. Điều này đồng nghĩa với việc thuật ngữ mới liên tục xâm nhập vào tiếng Pháp, bao gồm cả trong lĩnh vực thể thao.

"Bạn không thể bỏ qua thực tế rằng nhiều sự kiện thể thao quốc tế được phát sóng trên toàn cầu đã chọn sử dụng tiếng Anh để giao tiếp, ngay trong tiêu đề, khẩu hiệu và quảng cáo", Bộ trưởng Văn hóa và Thông tin Pháp nói với hạ viện nước này.

France24 có đưa ra lý do vì sao một số người Pháp "khó chịu" khi tiếng Anh xâm lấn Thế vận hội. Theo đó, Thế vận hội hiện đại được Pierre de Coubertin - một quý tộc người Pháp - tổ chức đầu tiên vào cuối thế kỷ 19. Tiếng Pháp vẫn là một trong những ngôn ngữ chính thức của những người kế nhiệm de Coubertin tại Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC).

Việc tiếng Anh ngày càng trở nên phổ biến khiến một số cư dân nước này lên cố gắng bảo vệ sự thuần khiết của tiếng Pháp.

Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.

> Xem thêm: Sách cho người xê dịch