Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Rằm tháng Bảy và quan niệm về đạo hiếu

Văn hoá 28/08/2023 - 20:33

- Trong tâm thức người Việt, rằm tháng Bảy là dịp lễ mang nhiều yếu tố tâm linh, tín ngưỡng. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu đúng về ý nghĩa của dịp lễ này. Phóng viên Báo Hà Tĩnh đã có cuộc trao đổi với Đại đức Thích Chúc Giác - Trưởng ban Hoằng pháp Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh về vấn đề này.

Rằm tháng Bảy và quan niệm về đạo hiếu

Trong tâm thức người Việt, rằm tháng Bảy là dịp lễ mang nhiều yếu tố tâm linh, tín ngưỡng. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu đúng về ý nghĩa của dịp lễ này. Phóng viên Báo Hà Tĩnh đã có cuộc trao đổi với Đại đức Thích Chúc Giác - Trưởng ban Hoằng pháp Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh về vấn đề này.

Rằm tháng Bảy và quan niệm về đạo hiếu - ảnh 1

Đại đức Thích Chúc Giác.

P.V: Thưa Đại đức Thích Chúc Giác, xin ngài cho biết ý nghĩa của dịp lễ rằm tháng Bảy theo quan niệm của Phật giáo?

Đại đức Thích Chúc Giác: Theo quan niệm của Phật giáo, rằm tháng Bảy gắn liền với lễ Vu Lan báo hiếu. Điều này xuất phát từ tích truyện Bồ tát Mục Kiền Liên cứu mẹ. Chuyện kể thời Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, Mục Kiền Liên là một trong những vị đại đệ tử xuất chúng nhất của Đức Phật.

Sau khi tu hành đắc đạo, ngài dùng thần thông để tìm người mẹ đã khuất. Khi phát hiện mẹ mình là bà Thanh Đề do nghiệp xấu ác mà về cõi ngạ quỷ, chịu cảnh đói khát, đau khổ, Bồ tát Mục Kiền Liên cầu xin Đức Phật chỉ cách cứu mẹ.

Rằm tháng Bảy và quan niệm về đạo hiếu - ảnh 2

Lễ Vu lan báo hiếu được các chùa trên địa bàn Hà Tĩnh tổ chức mỗi dịp rằm tháng Bảy.

Nhờ làm theo lời Phật dạy, vào ngày rằm tháng Bảy năm đó, không chỉ thân mẫu của ngài thoát nạn khổ, được tái sinh về cõi trời mà nhiều chúng sinh bị trầm luân nơi địa ngục cũng được giải thoát. Bồ tát Mục Kiền Liên cảm kích ân Phật nên đã khuyến khích người trên thế gian hằng năm vào rằm tháng Bảy tổ chức lễ Vu Lan, cúng dường tăng chúng mười phương hội về, tụng kinh Vu Lan Bồn để báo hiếu cho cha mẹ và cửu huyền thất tổ.

Kế tục truyền thống đó, từ xưa đến nay, người Việt đều xem tháng Bảy là dịp để báo hiếu với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Dịp này, các nhà chùa cũng tổ chức lễ Vu Lan với nhiều hoạt động ý nghĩa như: bông hồng cài áo, giảng đạo hiếu hạnh, cúng cơm chay... Những hoạt động này nhằm hỗ trợ các phật tử và người dân bày tỏ tâm nguyện những người đã mất được sinh về cõi lành, cha mẹ còn sống được mạnh khỏe, bình an.

P.V: Rằm tháng Bảy gắn liền với sự báo hiếu, vậy chữ “hiếu” trong đời sống ngày nay được hiểu như thế nào là trọn vẹn, thưa Đại đức?

Đại đức Thích Chúc Giác: Người xưa có câu “Hiếu nghĩa vi tiên” - nghĩa là “Lấy đạo hiếu làm đầu”. Sự hiếu với cha mẹ không chỉ giới hạn trong dịp lễ rằm tháng Bảy mà nó phải là những việc làm thường xuyên trong cuộc sống hằng ngày. Dịp này nhắc nhở mỗi người biết trân trọng những gì mình đang có, luôn nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ mà làm những việc hiếu nghĩa để trọn đạo làm con.

Rằm tháng Bảy và quan niệm về đạo hiếu - ảnh 3

Rằm tháng Bảy gắn liền với sự báo hiếu, tri ân nguồn cội.

Tiếc rằng, nhiều người không hiểu ý nghĩa sâu xa của đạo hiếu, khi cha mẹ còn sống thì bỏ mặc, đối xử bạc bẽo nhưng cứ nghĩ rằng, dịp lễ chỉ cần lên chùa cầu cúng, ngày giỗ làm mâm cao cỗ đầy là trọn hiếu. Chữ hiếu với cha mẹ là bao hàm khái niệm “hiếu dưỡng” (nuôi dưỡng cha mẹ) và “hiếu kính (yêu thương, kính trọng cha mẹ). Một ngày còn cha, còn mẹ trên đời là một ngày hạnh phúc, an yên và người làm con trước hết phải trọn đạo hiếu mới trọn vẹn được trách nhiệm với đời.

Lòng tri ân báo hiếu đó cũng xuất phát từ đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, là dòng chảy văn hóa thiêng liêng của dân tộc Việt Nam. Không chỉ đền ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ mà còn là tri ân công ơn dạy dỗ của thầy cô, tri ân các bậc tiền nhân đã hy sinh bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước. Lòng tri ân, báo hiếu đó cũng chính là nền tảng xây dựng đạo đức cho con người, gia đình, xã hội, góp phần để thế giới hòa bình, thánh thiện hơn.

P.V: Trong quá trình người dân thực hành tín ngưỡng dịp lễ rằm tháng Bảy vẫn còn những hạn chế, quan điểm của Đại đức như thế nào về vấn đề này?

Đại đức Thích Chúc Giác: Rằm tháng Bảy ngoài ý nghĩa là lễ Vu Lan báo hiếu thì nhiều người còn quan niệm là ngày xá tội vong nhân. Trong giáo lý đạo Phật không có khái niệm về ngày xá tội vong nhân, mà đây là một tập tục có xuất xứ từ đạo giáo của người Trung Quốc. Người ta quan niệm rằng, ngày rằm tháng Bảy, các vong hồn được xá tội, cửa địa ngục mở để họ trở về dương thế, vất vưởng khắp dương gian. Vì thế, người dân gọi tháng Bảy là tháng “cô hồn” và cúng bằng cháo loãng, gạo, bỏng, muối… cho các cô hồn không nơi nương tựa và mong ước họ được siêu sinh, không quấy nhiễu đời sống của người trần.

Rằm tháng Bảy và quan niệm về đạo hiếu - ảnh 4

Cần có sự hiểu biết trong thực hành tín ngưỡng tâm linh để tránh những hành vi lãng phí, mê tín dị đoan...

Lễ Vu Lan đề cao sự báo hiếu, tri ân, còn quan niệm xá tội vong nhân lại đề cao sự ban phước. Như vậy, có thể thấy lễ Vu Lan và ngày xá tội vong nhân không mang ý nghĩa đồng nhất với nhau. Quan niệm về xá tội vong nhân xét cho cùng cũng là một tín ngưỡng tâm linh của người dân, tuy nhiên, trong quá trình thực hành tín ngưỡng, nhiều người do thiếu hiểu biết đã biến nó thành mê tín dị đoan; lan truyền và tạo nên tâm lý tiêu cực, bất an trong cộng đồng xã hội.

Rằm tháng Bảy dù quan niệm là lễ Vu Lan hay ngày xá tội vong nhân cũng đều mang ý nghĩa thể hiện lòng kính trọng, biết ơn với các bậc sinh thành, đề cao việc báo hiếu và làm phúc. Do đó, thay vì đầu tư quá nhiều vào việc cúng bái, đốt vàng mã, người dân nên làm tròn đạo hiếu với cha mẹ, tổ tiên; tích cực làm việc thiện, chia sẻ tinh thần, giúp đỡ vật chất cho những hoàn cảnh khó khăn. Đây cũng chính là những việc làm thể hiện tính nhân văn của con người Việt Nam.

Kiều Minh (thực hiện)