Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Sáng tạo, làm giàu từ văn hóa - Bài 2: Nỗ lực để hình thành mạng lưới thành phố sáng tạo của Việt Nam

Văn hoá 28/09/2022 - 16:03

Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO ra đời vào năm 2004. Tháng 10/2019, Thủ đô Hà Nội vinh dự trở thành một trong 246 thành phố thuộc Mạng lưới này về lĩnh vực thiết kế.

Việc này đã tạo động lực cho một số thành phố có khả năng khác như Thành phố Hồ Chí Minh, Huế (Thừa Thiên - Huế), Đà Nẵng, Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng) và Vũng Tàu (Bà Rịa- Vũng Tàu) phấn đấu nhằm hình thành mạng lưới thành phố sáng tạo của Việt Nam nằm trong hệ thống của UNESCO.
“Vườn ươm” sáng tạo
Tháng 10/2019 là tròn 20 năm kể từ khi Hà Nội được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình” cũng là lúc Thủ đô của cả nước được công nhận là một thành phố sáng tạo. Mục tiêu lớn của Hà Nội trong tương lai gần là sẽ trở thành “Kinh đô sáng tạo” của khu vực Đông Nam Á, góp phần đưa Thủ đô trở thành một trong những “điểm sáng” văn hóa của khu vực và thế giới.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đánh giá: Hà Nội gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là bước tiến của Thủ đô, tạo điều kiện thuận lợi để phát huy sức mạnh tổng hợp các nguồn lực kinh tế, chính trị, trong đó trọng tâm là nguồn lực văn hóa và giáo dục; góp phần quan trọng trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh cũng như gia tăng cơ hội hợp tác trên mọi lĩnh vực sáng tạo vì mục tiêu phát triển bền vững.
Sáng tạo, làm giàu từ văn hóa - Bài 2: Nỗ lực để hình thành mạng lưới thành phố sáng tạo của Việt Nam - ảnh 1 Tiết mục múa lân tại phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Tuấn Đức - TTXVN
Qua 4 lần điều chỉnh địa giới và 7 lần quy hoạch, Thủ đô đã mở rộng gấp 22 lần diện tích cũ. Chính sự mở rộng này đã mang lại cho Hà Nội bản sắc mới, tạo thêm nguồn lực quan trọng cho phát triển, đặc biệt là tái thiết đô thị và gia tăng nguồn lực văn hóa khi văn hóa Thăng Long, văn hóa xứ Đoài và các vùng văn hóa khác phát huy được giá trị đặc sắc và tinh túy, phát triển hài hòa, tạo nên dòng sinh khí mới, đưa Thủ đô cất cánh. Bên cạnh duy trì bản sắc truyền thống, Hà Nội đang trở thành “vườn ươm” sáng tạo trên khắp đất nước và đặc biệt thu hút giới trẻ. Có thể nói, Hà Nội luôn nhận biết được giá trị truyền thống, giá trị hiện đại để tạo hình ảnh, diện mạo mới cho chính mình.
Những năm gần đây, Hà Nội bắt đầu từng bước phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Năm 2018, ngành công nghiệp sáng tạo đóng góp khoảng 1,49 tỷ USD vào tổng sản phẩm của Hà Nội, chiếm tỷ trọng 3,7% GRDP của thành phố. Trong đó, giá trị gia tăng của ngành nghệ thuật, vui chơi, giải trí của Hà Nội đạt khoảng 196,5 triệu USD, chiếm tỷ trọng 0,49% GRDP. Giá trị kinh tế tuy chưa cao, nhưng đây là tiền đề mở ra nhiều triển vọng thu hút đầu tư khi Hà Nội tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo.
Mới đây, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp cùng một số đơn vị phát động cuộc thi "Thiết kế nghệ thuật công cộng Hà Nội 2022". Đây là một hoạt động triển khai nội dung cam kết với UNESCO nhằm nuôi dưỡng các tài năng trẻ, phát triển mạng lưới nhà thiết kế trẻ khi Hà Nội tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Đồng thời, cuộc thi cũng góp phần thúc đẩy các hoạt động thiết kế sáng tạo trong cộng đồng, tăng khả năng tiếp cận không gian công cộng xanh, an toàn, là cầu nối đưa các ý tưởng và thực hành sáng tạo đến gần hơn với công chúng.
Cuộc thi đã tạo ra môi trường lấy giới trẻ làm trung tâm trong ngành công nghiệp sáng tạo, tìm kiếm các nhà đầu tư nhằm hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo, hình thành không gian sáng tạo không chỉ cho Hà Nội mà còn cho cả nước nói chung. Ngoài một số địa điểm do Ban tổ chức gợi ý, thí sinh có thể chủ động tìm kiếm lựa chọn địa điểm trong khu vực khu phố cổ Hà Nội để nghiên cứu, đề xuất ý tưởng như thiết kế hệ thống chiếu sáng, cây xanh trang trí, biển hiệu, trang thiết bị đô thị (ghế ngồi, nhà vệ sinh công cộng, các vườn hoa trên địa bàn quận Hoàn Kiếm...).
Trước đó, cuộc thi "Hà Nội là..." đã kêu gọi các nghệ sỹ trẻ cùng thúc đẩy danh hiệu “Hà Nội - Thành phố sáng tạo” bằng các tác phẩm minh họa về Thủ đô. Các tác giả đã đem đến những ý tưởng bất ngờ, mới mẻ, lồng ghép nhiều câu chuyện và cảm xúc riêng, khắc họa Hà Nội muôn màu độc đáo. Những góc “Thành phố sáng tạo” được thể hiện bằng những chất liệu đa dạng, như vẽ kỹ thuật số (digital), lụa, cắt dán, sơn dầu, sơn mài…
Sáng tạo, làm giàu từ văn hóa - Bài 2: Nỗ lực để hình thành mạng lưới thành phố sáng tạo của Việt Nam - ảnh 2 Đèn lồng rực rỡ tại phố Đinh Tiên Hoàng. Ảnh: Tuấn Đức - TTXVN
Nguồn lực và sáng tạo văn hóa làm nền tảng phát triển
Vào năm 2004, Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO ra đời, cho đến nay, mạng lưới này đã phát triển đáng kể. Năm 2017 có 180 thành phố trong Mạng lưới thì năm 2019 đã tăng lên 264 thành phố. Năm 2021, danh sách đã tăng lên 295 thành phố sáng tạo từ 90 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới được công nhận nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố với việc lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị bền vững.