Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Stephen King - bậc thầy truyện kinh dị

Văn hoá 28/09/2022 - 12:50

Stephen King được mệnh danh là bậc thầy sáng tác truyện kinh dị, khi trong hơn 40 năm qua, ông đã khiến độc giả luôn khiếp sợ với những câu chuyện của mình.

Ngày 21/9 vừa qua, tác giả này tròn 75 tuổi - chỉ 2 tuần sau khi xuất bản cuốn tiểu thuyết thứ 64 của mình: Fairy Tale. Những câu chuyện của King từ lâu đã được coi là một phần của nền văn hóa đại chúng. Trong hơn 4 thập kỷ qua, không có nhà văn nào thống trị ở lĩnh vực sáng tác truyện kinh dị như ông.
Người viết truyện kinh dị thành công nhất mọi thời
Đến nay, King là tác giả duy nhất trong lịch sử có hơn 30 cuốn sách trở thành best-seller số 1. Ông bán được hơn 400 triệu cuốn sách trên toàn thế giới, nhiều cuốn đã trở thành biểu tượng văn hóa. Những bộ phim chuyển thể từ tác phẩm của ông - được nhiều người biết đến - cũng thường là những thành công lớn về doanh thu phòng vé.
Stephen King - bậc thầy truyện kinh dị - ảnh 1 Tiểu thuyết gia Stephen King
King bắt đầu viết truyện ngắn từ năm 1967 nhưng sự nghiệp của ông thực sự bắt đầu một cách nghiêm túc với việc xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay hồi năm 1974. Đó là Carrie - câu chuyện về một cô gái gặp rắc rối khi phát triển siêu năng ngoại cảm. Đó cũng là câu chuyện đạo đứcvề một nơi có “trường trung học là địa ngục”, khi Carrie phải đối mặt với sự bắt nạt từ các bạn học trung học cũng như sự tàn nhẫn từ người mẹ sùng đạo của cô. Dù vậy, các nhân vật chính được viết với sự nhân văn và đồng cảm mặc dù có nhiều khiếm khuyết về mặt đạo đức -mà trong trường hợp này là Carrie, mẹ cô, và Sue, một người chuyên bắt nạt. Mối quan hệ phức tạp giữa nhân vật chính và nhân vật phản diện cũng là một mô-típ lặp đi lặp lại trong tác phẩm của King sau này.
Stephen King - bậc thầy truyện kinh dị - ảnh 2
Ban đầu, ấn bản Carrie ở dạng bìa cứng được bán rất khiêm tốn. Nhưng việc bán bản quyền cuốn sách với giá 400 ngàn USD và thành công sau đó của cuốn tiểu thuyết ở dạng bìa mềm đã mở ra 48 năm sự nghiệp bền vững của King trên tư cách một nhà văn.
2 năm sau khi Carrie xuất bản, bộ phim cùng chuyển thể năm 1976 của Brian De Palma đã thu về 33 triệu USD từ phòng vé với kinh phí sản xuất 1,8 triệu USD. Được thúc đẩy bởi sự thành công đó, King tiếp tục cho ra đời 6 cuốn tiểu thuyết, gồm Salem's Lot, The Shining, Rage, The Stand, The Long Walk The Dead Zone. Tất cả được viết trong 6 năm liên tiếp, mở đầu cho sức sáng tạo sung mãn của tác giả trong sự nghiệp. King nói với New York Times hồi năm 1979: “Bộ phim Carrie đã làm nên cuốn sách và cuốn sách làm nên văn nghiệp của tôi”.
Stephen King - bậc thầy truyện kinh dị - ảnh 3 Diễn xuất của Sissy Spacek trong "Carrie" (1976) vẫn gây kinh ngạc trong hơn 40 năm sau khi ra mắt
Sức sáng tạo thiên bẩm
Độc giả có thể biết đến King nhiều nhất với Carrie, The Shining và những cuốn sách kinh dị được bán chạy khác. Nhưng từ lâu, King đã có niềm yêu thích với các loại truyện khác nhau, từ đề tài về khoa học viễn tưởng, nhà tù cho đến đội bóng chày Boston Red Sox.
Trong thập kỷ qua, ông đã viết 3 cuốn tiểu thuyết thuộc dòng sách về tội phạm, gồm Joyland, The Colorado Kid Later. Cụ thể, Joyland là câu chuyện kinh dị dành cho tuổi mới lớn xoay quanh một công viên giải trí. The Colorado Kid kể về một xác chết trên một hòn đảo ngoài khơi bờ biển Maine, quê hương của King. Còn đối với Later, King bắt đầu với nội dung về một nữ nhà văn cần hoàn thành bản thảo được khách hàng quá cố đặt viết, và cô phải nhờ tới khả năng giao tiếp với người chết của con trai mình.
Thực tế, vài năm qua, người hâm mộ đang đón nhận sự hồi sinh của các bộ phim kinh dị được làm lại phiên bản mới từ cốt truyện của King như Gerald's Game, Castle Rock, Pet Sematary. Và như thế, nếu là một người hâm mộ King, đây là thời điểm phù hợp để nhìn lại lý do tại sao ông trở thành một hiện tượng văn hóa được yêu thích như vậy.
Stephen King - bậc thầy truyện kinh dị - ảnh 4 Jack Nicholson đang ở đỉnh cao sự nghiệp khi đảm nhận vai diễn trong "The Shining" (1980) và mang đến một màn trình diễn ấn tượng
Xét cho cùng, nếu không có King, chúng ta sẽ không có những tác phẩm ấn tượng như Stranger Things, The Shining. Cũng như,sẽ không có một trong những hình ảnh mang tính biểu tượng và dễ nhận biết nhất trong lịch sử điện ảnh - Andy Dufresne đứng dưới mưa sau khi trốn thoát khỏi nhà tù Shawshank trong The Shawshank Redemption. Hoặc,chúng ta sẽ không có nỗi kinh hoàng dai dẳng của chú hề Pennywise hay Kathy Bates - fan hâm mộ chuyên rình rập tác giả trong Misery.
Những chủ đề như thế liên tục được tìm thấy trong suốt quá trình sáng tác của King. Những người mất đi sự hồn nhiên, bị bạo hành để rồi trở thành kẻ xấu, cũng như cuộc chiến giữa thiện và ác, liên tục được đan cài với nhau trên những trang văn của ông, khiến người đọc rất thích thú khi khám phá. Đặc biệt, một trong những khả năng lớn nhất mà King có được với tư cách là một tác giả là việc có thể hiểu thấu nỗi sợ hãi của độc giả và chuyển những nỗi sợ hãi đó vào một tác phẩm hư cấu.
King chủ yếu viết cho khán giả thuộc tầng lớp lao động - tầng lớp mà ông lớn lên. Ông gọi đó là những “độc giả thường xuyên” và rất xuất sắc trong việc cung cấp mô tả các chi tiết quen thuộc về cuộc sống và môi trường của họ. Ví dụ, trong The Stand, ông nhìn rõ những vấn đề mà các gia đình thuộc tầng lớp lao động trên khắp nước Mỹ phải đối mặt trong cả những năm cuối thập niên 1970 và cuối những năm 1980, khi việc làm đang dần ít đi.
Khá thú vị, Stephen King coi việc viết lách là một lao động thường nhật: Mỗi ngày ông viết đúng 2.000 từ. King cũng được cho là người theo đuổi phong cách dễ hiểu, làm cho tiểu thuyết của ông có thể tiếp cận được với những người từ 15 đến 100 tuổi. Đó là phong cách đã đưa King trở thành một trong những tác giả được yêu thích nhất trên thế giới.