Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

TS Nguyễn Thị Hậu: ''Di sản giả còn tệ hơn không có di sản''

Phái đẹp 25/04/2024 - 22:17

TS khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu chia sẻ góc nhìn về bảo vệ di sản đô thị, trong đó đề cao vai trò của người trẻ trong việc giữ gìn ký ức, tình cảm của nhiều thế hệ người dân đô thị.

TS Nguyễn Thị Hậu: ''Di sản giả còn tệ hơn không có di sản'' - ảnh 1

Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu - Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử TP.HCM. Ảnh: Phương Vy.

TP.HCM được xem là thành phố thân thiện cả về tính cách con người lẫn yếu tố cảnh quan. Trong đó, di sản đô thị không chỉ có ý nghĩa về mặt văn hóa, du lịch, mà còn là những thực thể sống động, góp phần lưu giữ ký ức, tình cảm của nhiều thế hệ sinh sống tại đó.

Trong buổi giao lưu trò chuyện mang chủ đề “Đánh thức di sản đô thị”, diễn ra vào ngày 24/4 tại trường Cao Đẳng Du Lịch Sài Gòn (TP.HCM), TS khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu đã có buổi trò chuyện xoay quanh việc kết nối di sản đô thị Sài Gòn - TP.HCM gắn với tiềm năng phát triển du lịch.

Di sản gắn liền với ký ức, tình cảm người đô thị

Bàn về tình trạng di sản đô thị ở TP. Hồ Chí Minh bị xâm hại do quá trình hiện đại hóa, tác giả của Thương những miền đã quaĐô thị Sài Gòn - Thành Phố Hồ Chí Minh: Khảo cổ học và bảo tồn di sản cho rằng: “Giá trị của cảnh quan di sản là bao gồm tổng quan chứ không phải giá trị đơn lẻ từng công trình. Không phải chúng ta giữ từng công trình mà giữ cả cảnh quan”.

TS Nguyễn Thị Hậu cho biết có 9 hình thức của di sản đô thị bao gồm: Di tích khảo cổ học; Di tích cảnh quan đô thị; Công trình kiến trúc nghệ thuật; Di tích tín ngưỡng - tôn giáo; Nhà cổ và cảnh quan biệt thự. Trong đó, “di sản đô thị thường là những cấu trúc sống động với sự tích tụ đầy đủ nhịp điệu sinh hoạt và phát triển của nó trong quá khứ và cả hiện tại”, bà nói.

Không chỉ là tổng hòa giữa quá khứ và hiện tại, di sản đô thị còn mang cả giá trị vật chất lẫn tinh thần, là biểu tượng truyền tải cho hậu thế những câu chuyện về vùng đất và con người, phản ánh cái hồn của vùng đô thị đó.

TS Nguyễn Thị Hậu: ''Di sản giả còn tệ hơn không có di sản'' - ảnh 2

Một số tác phẩm của TS Nguyễn Thị Hậu về di sản đô thị. Ảnh: Quỳnh My.

“Mỗi một di tích được đề cập là một câu chuyện của quá khứ và hiện tại, là một loại hình di sản đô thị, là ký ức đô thị, tài sản tinh thần quý giá của cộng đồng dân cư. Thay đổi, phá hủy khu vực này dù với lý do đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa, là xóa bỏ ký ức lịch sử, cắt đứt sự di truyền văn hóa và tình cảm gắn bó với đô thị giữa các thế hệ thị dân, đồng thời cũng làm mất đi những đặc trưng nhận diện Sài Gòn - TP.HCM đối với du khách, trong đó gồm cả đặc trưng về lối sống cởi mở, phóng khoáng, quan hệ thân thiện, nghĩa tình của người Sài Gòn”, bà nói thêm.

Vai trò của thế hệ trẻ trong việc đánh thức di sản

Theo TS Nguyễn Thị Hậu, ký ức đô thị bắt đầu từ những công trình, những cảnh quan… mà người đô thị nhìn thấy hàng ngày.

“Chúng ta không để ý, nhưng chỉ khi nó mất đi bắt đầu chúng ta mới sực nhớ rằng: Ồ, mình rất là quý nó, mình rất là thương nó. Vâng, mà nó đã mất đi rồi. Đấy là điều cực kỳ đáng tiếc, và cái việc mà chúng ta là làm sao đừng để cái sự hối tiếc đấy xảy ra”, bà chia sẻ.

Bà cho rằng vai trò của cộng đồng đối với di sản đô thị là rất quan trọng, bởi vì cộng đồng là người hưởng lợi trực tiếp từ di sản nếu như di sản đó được bảo tồn và sử dụng đúng cách. Cũng chính cộng đồng là người sẽ phải chịu ảnh hưởng trực tiếp nếu như di sản đó bị phá đi.

Tại TP. Hồ Chí Minh, có những công trình, nhiều cảnh quan đã bị phá hủy trong quá trình hiện đại hóa và để lại nhiều tiếc nuối trong người dân, như Thương xá Tax, Lò gốm Hưng Lợi hay Cảng Ba Son. Mặt khác, cũng nhiều công trình mà nhờ tiếng nói của cộng đồng, đã được khôi phục lại theo như lối thiết kế nguyên bản, ví dụ Bưu Điện Thành Phố.

TS Nguyễn Thị Hậu: ''Di sản giả còn tệ hơn không có di sản'' - ảnh 3

Chương trình đem đến nhiều thông điệp cho người trẻ về vấn đề bảo tồn di sản đô thị. Ảnh: Phương Vy.

Một trường hợp khác, khi hàng cây ở trên đường Tôn Đức Thắng bị chặt, nhiều bạn trẻ đã có hành động “tưởng niệm” bằng cách đặt hoa lên các thân cây đã bị chặt, và cột nơ vàng lên các thân cây chưa bị chặt.

Với thế mạnh trong việc tiếp cận nhiều nguồn kiến thức, thông tin và các phương tiện truyền thông, tiến sĩ Hậu tin rằng sinh viên, những người trẻ, bằng những tình cảm được nuôi dưỡng thông qua di sản ký ức, có thể đóng góp một phần không nhỏ trong việc gìn giữ và bảo tồn các di sản đô thị.

“Người già có khi lại không làm được điều này nên các bạn trẻ thì các bạn trẻ làm được, đó là tình cảm của những người trẻ. Những câu chuyện này kết thúc có hậu hay không, tức là tương lai của các di sản này còn hay mất, là phụ thuộc vào cách ứng xử của chủ thể di sản, tức cộng đồng dân cư nói chung và những giới có quan hệ trực tiếp với di sản”, bà chia sẻ.

Di sản giả còn tệ hơn không có di sản, vì nó sẽ mang lại những nhận thức sai lạc, không đúng về lịch sử, văn hóa của đất nước.

TS Nguyễn Thị Hậu

Việc bảo tồn các di sản đô thị hiện nay, theo TS Nguyễn Thị Hậu, vẫn còn nhiều thách thức, bao gồm cả công tác quản lý của nhà nước lẫn những thách thức đến từ cộng đồng do ảnh hưởng của quá trình hiện đại hóa phát triển kinh tế. Đáng chú ý, tình trạng di sản được trùng tu không đúng nguyên bản cũng có thể tạo ra những “di sản giả”.

Trong việc bảo tồn và phát triển di sản đô thị, bà nhấn mạnh: “Đừng so sánh mình với ai khác, vấn đề là mình là ai chứ không phải mình giống ai. Hãy để Sài Gòn đúng là Sài Gòn mà không phải là Paris hay Singapore”.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng!