Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.

''Ủa em'' và những tin nhắn gây ám ảnh dân văn phòng

Phái đẹp 29/04/2024 - 21:15

Văn hoá giao tiếp trong văn phòng kiểu mới tạo ra xu hướng nhắn tin "gọi rồi im". Dân công sở đánh giá kiểu mở lời này thô lỗ, gây căng thẳng.

''Ủa em'' và những tin nhắn gây ám ảnh dân văn phòng - ảnh 1

Tin nhắn "Ủa em" hay "Hey" tưởng chừng vô hại nhưng lại tiềm ẩn khả năng gây căng thẳng cho dân văn phòng. Ảnh minh họa: Shkraba Anthony/Pexels.

"Hey" là câu mở đầu gây ám ảnh mà Harrison Luongtran (31 tuổi), Giám đốc sáng tạo tại agency quảng cáo Lucky Generals (Mỹ), hay sử dụng trọng ứng dụng nhắn tin nội bộ Slack.

"Có phải tôi sắp bị đuổi việc? Tôi có vừa phạm lỗi lầm nào không? Hay gia đình Luongtran có người ốm", CEO Atheina Hasbani băn khoăn sau tin nhắn. Tâm trí CEO lập tức nghĩ đến những viễn cảnh tồi tệ nhất khi nhận "hey".

Dù không trực tiếp thuộc quyền Luongtran, vị trí của giám đốc sáng tạo vẫn có khả năng bác bỏ ý tưởng hoặc yêu cầu Hasbani chỉnh sửa nội dung. Điều này khiến CEO luôn nghĩ đến tình huống tệ có thể xảy ra.

Theo Wall Street Journal, hiện tượng "gọi rồi im" (hey-and-wait) thông qua kiểu nhắn tin như "hey", "ủa em", hi"... trông có vẻ vô hại, nhưng lại khiến người nhận bất an, lo lắng.

Các nhà tâm lý học cho biết kiểu tin nhắn này có thể kích hoạt phản ứng chiến đấu hoặc bỏ chạy của con người.

"Để sinh tồn, bộ não cần biết 'Điều gì sẽ xảy ra?' và thường nó sẽ nghĩ đến kịch bản xấu nhất. Khi đó, chúng ta có xu hướng tin rằng mình đang gặp rắc rối", nhà trị liệu tâm lý Bryan Robinson giải thích.

''Ủa em'' và những tin nhắn gây ám ảnh dân văn phòng - ảnh 2 ''Ủa em'' và những tin nhắn gây ám ảnh dân văn phòng - ảnh 3
''Ủa em'' và những tin nhắn gây ám ảnh dân văn phòng - ảnh 4

Các ứng dụng nhắn tin được ví như "Red Bull (nước tăng lực) của giao tiếp". Ảnh minh họa: Ketut Subiyanto/Pexels.


Quy tắc mở lời

"Có vẻ như có rất nhiều quy tắc về cách mở đầu câu chuyện", Luongtran (42 tuổi) cho rằng đồng nghiệp của mình vẫn còn "non trẻ".

Thực tế, những tin nhắn "Hey" gần đây của Luongtran gửi tới Hasbani thường là lời mở đầu cho các câu chuyện về công việc, như yêu cầu đường dẫn đến một bài thuyết trình hoặc hỏi về thời gian CEO có mặt tại văn phòng.

Trong môi trường làm việc hiện đại, việc phản hồi nhanh chóng để hoàn thành nhiều việc trong thời gian ngắn đang được đề cao. Điều này đã thúc đẩy các cuộc trò chuyện trực tuyến theo thời gian thực.

Theo khảo sát của Harris Poll thực hiện trên 1.200 nhân viên và giám đốc điều hành vào năm 2023, gần 90% thời gian trong tuần làm việc được dành cho giao tiếp trên các nền tảng khác nhau.

Báo cáo được thực hiện thay mặt cho công ty phần mềm kiểm lỗi ngữ pháp Grammarly cũng tiết lộ có 1/4 người gặp phải tình trạng hiểu lầm trong giao tiếp nhiều lần trong ngày.

Fiana Tulip, chuyên gia xây dựng thương hiệu và tư vấn marketing tại New York (Mỹ), đã quá quen thuộc với kiểu nhắn tin của Robyn Jackson Malone, CEO một agency quan hệ công chúng ở Illinois (Mỹ). Hai người thỉnh thoảng hợp tác trên các dự án cho cùng một khách hàng. Thỉnh thoảng, Malone có xu hướng nhắn tin "Hey" cho Tulip mà không kèm theo bất kỳ thông tin nào.

"Điều đó khiến tôi phát điên lên", Tulip chia sẻ.

Tuy nhiên, ở góc nhìn của Malone, cô nghĩ rằng sẽ thật thô lỗ nếu "tuôn" ra hết những gì mình muốn trong hộp trò chuyện.

''Ủa em'' và những tin nhắn gây ám ảnh dân văn phòng - ảnh 5 ''Ủa em'' và những tin nhắn gây ám ảnh dân văn phòng - ảnh 6
''Ủa em'' và những tin nhắn gây ám ảnh dân văn phòng - ảnh 7
Thay vì tập trung dùng email, thói quen giao tiếp tại văn phòng đang chuyển dần sang các nền tảng nhắn tin tức thời. Ảnh minh họa: Mikhail Nilov/Pexels.


Giao tiếp văn phòng kiểu mới

Các nhà tư vấn truyền thông doanh nghiệp cho rằng một phần vấn đề do các nền tảng nhắn tin tức thời tại nơi làm việc còn tương đối mới mẻ.

Theo Microsoft, những người dùng năng nổ nhất hiện nay gửi và nhận khoảng 150 tin nhắn mỗi ngày, tương đương hơn 250 email.

Thông tin từ Slack chỉ ra có 700 triệu tin nhắn được gửi đi mỗi ngày từ nền tảng này.

Discord, nền tảng bắt đầu từ cộng đồng game thủ, ngày càng được giới văn phòng chuộng sử dụng để trò chuyện.

So với email, thường dài và không yêu cầu phản hồi tức thời, tin nhắn nhanh mang tính chất tương tác qua lại theo thời gian thực. Trong khi email có những quy tắc bất thành văn như tránh viết hoa toàn bộ, sử dụng phông chữ lạ và trả lời tất cả thì giao tiếp qua tin nhắn tại nơi làm việc vẫn chưa có nhiều quy tắc rõ ràng.

Kate Buchanan, lãnh đạo các sáng kiến đổi mới liên quan đến nhân sự tại công ty phần mềm Autodesk, thừa nhận thỉnh thoảng cô gửi "hi" hoặc "hey" cho đồng nghiệp, sau đó bị sao nhãng hoặc cảm thấy không cần thiết trò chuyện nữa nên đã im lặng luôn.

"Khi ai đó nhắn 'hi' với bạn trên Slack/Discord, bạn nên phản hồi như thế nào?", Madison Kanna, kỹ sư phần mềm cao cấp tại bộ phận chăm sóc sức khỏe của Walmart, lên tiếng nhờ tư vấn sau khi nhận được nhiều tin nhắn "gọi rồi im".

Một số người khuyên Kanna không nên trả lời. Số khác cho rằng đây không phải là điều quá nghiêm trọng cần để tâm. Một vài người khác đề cập đến trang web nohello.net cùng lời kêu gọi: "Hãy ngừng việc chỉ nhắn 'hello' khi chat".

Constance Hadley, giáo sư quản lý và tổ chức tại Trường Kinh doanh Questrom, Đại học Boston, cho rằng hãy lên tiếng nói cho đồng nghiệp biết về sự khó chịu của bạn.

"Tin nhắn 'hey' của bạn khiến tôi mất tập trung. Dù đây là cách mở lời yêu thích, không phải ai cũng thấy dễ chịu theo cách bạn nghĩ", giáo sư gợi ý.

Ưu tiên nhân viên tài năng hay thâm niên?

Có bao nhiêu người trong số nhân viên của bạn mà nếu tuyển dụng lại bạn sẽ chọn họ? Bao nhiêu trong số họ chỉ dừng ở mức tầm trung và bao nhiêu người bạn chỉ đang chịu đựng? Đó cũng là câu hỏi khiến hai tác giả Andreas Krebs và Paul Williams phải băn khoăn trong cuốn Ảo tưởng của sự bất khả chiến bại.