Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Văn học Việt Nam - Hàn Quốc hướng tới ngôi nhà chung

Chính trị 09/12/2022 - 02:21

Những điểm gần gũi về văn hóa và mối quan tâm về đời sống của bạn đọc hai bên đưa văn chương của hai nước đến gần nhau hơn.

Văn học Việt Nam - Hàn Quốc hướng tới ngôi nhà chung - ảnh 1

Một số tác phẩm văn học Hàn Quốc được xuất bản tại Việt Nam.

Nhờ những điểm tương đồng về văn hóa và do số lượng người Việt Nam nghiên cứu về ngôn ngữ, văn hóa Hàn Quốc ngày càng tăng nên số lượng tác phẩm văn học Việt Nam và Hàn Quốc được giới thiệu đến độc giả hai nước ngày một nhiều. Văn chương góp phần làm mờ sự khác biệt, hướng con người đến ngôi nhà chung đầy ánh sáng của tình yêu thương và những giấc mơ đẹp đẽ.

Từng bước lan tỏa

Những năm vừa qua, nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo về văn học được tổ chức khá đều đặn ở Việt Nam và Hàn Quốc. Các chuyến thăm và làm việc giữa các nhà văn hai nước diễn ra hàng năm giúp cho sự hiểu biết giữa các nhà văn Việt Nam và Hàn Quốc ngày càng được mở rộng.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết: “Tôi còn nhớ, năm 2000, Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản tập tuyển thơ 5 nhà thơ hiện đại Hàn Quốc qua bản dịch từ tiếng Anh của tôi. Lúc đó, văn học Hàn Quốc còn rất mơ hồ với bạn đọc Việt Nam”. Thế nhưng, từ năm 2000 đến nay, văn học Hàn Quốc đã có một vị trí không nhỏ trong đời sống văn học Việt Nam.

Nếu ở thời kỳ đầu, văn học Hàn Quốc được dịch ra tiếng Việt chỉ có số ít tác phẩm văn học cổ hay văn học cận đại thì những năm gần đây, rất nhiều tác phẩm văn học hiện đại Hàn Quốc đã ra mắt độc giả Việt với sự đa dạng về thể loại, từ tiểu thuyết, truyện ngắn đến thơ, truyện thiếu nhi. Có thể kể đến Thác mặt trời, Truyện ngắn đương đại Hàn Quốc, Khi hoa kiều mạch nở, Điều gì xảy ra, ai biết, Dù con sống thế nào, mẹ cũng luôn ủng hộ, Cá thu, Công thức nấu ăn tặng con gái, Về nhà với mẹ, Bước chậm lại giữa thế gian vội vã, Yêu những điều không hoàn hảo, Một trăm cái bóng, Bản chất của người, Hoàng hôn đỏ rực... Trong đó có nhiều tác phẩm được đón nhận tích cực, được tái bản nhiều lần như Hãy chăm sóc mẹ, Bố con cá gai, Những tháng năm rực rỡ...

Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, văn học Hàn Quốc đang từng bước chiếm ngự trái tim của bạn đọc Việt Nam bằng vẻ đẹp riêng. Không ít nhà văn và bạn đọc Việt Nam cho rằng, chỉ khi đọc những tác phẩm văn học Hàn Quốc thì mới thấy được tâm hồn và sức mạnh nội tại của dân tộc Hàn Quốc như thế nào.

Đặc biệt, văn học thiếu nhi Hàn Quốc được độc giả Việt yêu thích với các tác phẩm nổi bật như Cô gà mái xổng chuồng, Cây bút thần kỳ, Phiếu bé hư, Cá voi đỉnh núi, Những người bạn ở thung lũng mặt trời mọc, Chó xanh lông dài, Cá hồi, Cửa tiệm thời gian...

Nhà văn viết cho thiếu nhi Lê Phương Liên tỏ bày: “Chúng ta đều biết rằng sau chiến tranh sẽ là một cuộc sống hòa bình, nhưng trẻ em có thực sự được hạnh phúc trong cuộc sống đó không? Cô gà mái xổng chuồng đã trả lời câu hỏi này.

Đó là một tác phẩm gây rung động cho bản thân tôi là một người phụ nữ, và cho rất nhiều trẻ em Việt Nam. Trẻ em trên thế giới này, dù ở dân tộc nào cũng đều khóc và cười giống nhau, nên những tác phẩm có thể làm cho trẻ em khóc hay trẻ em cười thì đó là những tác phẩm không có biên giới”.

Làn gió văn học Đông Nam Á thổi tới Hàn Quốc

Cách đây chưa lâu, khi tập truyện ngắn đương đại Hàn Quốc được xuất bản tại Việt Nam, dịch giả, đồng chủ biên bộ sách - tiến sĩ Nguyễn Thị Hiền - chia sẻ: "Điều thú vị trong các truyện ngắn này là thỉnh thoảng độc giả bắt gặp “một thoáng Việt Nam” đâu đó giữa những câu chuyện. Đó là một quán ăn Việt Nam mà nhân vật ghé qua, hay cô dâu Việt Nam trong hội thoại của các nhân vật”.

Những điểm gần gũi về văn hóa và mối quan tâm về đời sống của bạn đọc hai bên đưa văn chương của hai nước đến gần nhau hơn. Thậm chí, Việt Nam trở thành một trong những bối cảnh chính trong truyện Sa Pa, Sewol, Hình thức của tồn tại, Thời gian ăn tôm hùm của nhà văn Bang Hyunsuk.

Tác phẩm văn học Việt Nam đầu tiên được xuất bản ở Hàn Quốc là tiểu thuyết Nửa chừng xuân của Khái Hưng vào năm 1969, nhưng tiểu thuyết hiện đại Việt Nam chính thức được độc giả Hàn Quốc biết đến là Áo trắng Sài Gòn của Nguyễn Văn Bổng vào năm 1986 (sau này được dịch lại và xuất bản với tiêu đề Áo trắng).

Từ đó đến nay, ngày càng có nhiều tác phẩm văn học Việt Nam như của Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Tô Hoài, Văn Lê, Hữu Thỉnh, Nguyễn Bình Phương, Mai Văn Phấn, Lê Minh Khuê, Nguyễn Ngọc Tư, Phan Thị Vàng Anh, Võ Thị Xuân Hà... được dịch và xuất bản tại Hàn Quốc. Một số nhà văn, nhà thơ Việt Nam đã nhận được giải thưởng văn học của Hàn Quốc.

Nhà báo, nhà văn Cho Yong-ho cho biết: “Điều đáng mừng là tuy còn yếu, làn gió văn học Đông Nam Á đã bắt đầu thổi tới Hàn Quốc. Đầu năm nay, Quỹ Hansae Yes24 Foundation của Hàn Quốc đã công bố kế hoạch xuất bản Bộ sách văn học Đông Nam Á.

Tháng 1, tiểu thuyết Chúa đất của Đỗ Bích Thúy đã được xuất bản, là cuốn số một trong Bộ sách văn học Đông Nam Á, và vào tháng 2, Tôi là Bê tô của Nguyễn Nhật Ánh đã được xuất bản. Đây là minh chứng cho thấy mối quan tâm của Hàn Quốc tới văn học Việt Nam đã mở rộng sang cả tiểu thuyết dành cho thanh, thiếu niên”.