Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.

Vì sao châu Á trở thành ''lò lửa'' của thế giới

Chính trị 02/05/2024 - 14:39

Nắng nóng ở châu Á: Nắng nóng kỷ lục được ghi nhận trên khắp châu Á, buộc chính phủ các nước phải đưa ra cảnh báo về sức khỏe, đóng cửa nhiều trường học.

Vì sao châu Á trở thành ''lò lửa'' của thế giới - ảnh 1

Phần lớn châu Á đang phải chịu mức nhiệt cao kỷ lục. Bộ Giáo dục Philippines đã yêu cầu hàng triệu học sinh của hơn 47.000 trường công lập chuyển sang học trực tuyến tại nhà.

Cục Khí tượng Myanmar cho biết 7 thị trấn ở các khu vực trung tâm Magway, Mandalay, Sagaing và Bago trải qua mức nhiệt cao chưa từng thấy.

Cục Kiểm soát Dịch bệnh Thái Lan cho biết ít nhất 30 người đã thiệt mạng vì say nắng trong năm nay, so với 37 người trong cả năm ngoái.

Nhiều bang ở Ấn Độ ghi nhận nhiệt độ lên tới 42 độ C và tình trạng khắc nghiệt có thể còn tiếp diễn trong nhiều ngày tới. Bangladesh cũng đang phải đối mặt với đợt nắng nóng dài nhất trong 75 năm qua.

Vì sao châu Á nắng nóng kỷ lục?

Tháng 3, 4 và 5 thường là những tháng nóng nhất và khô nhất, nhưng điều kiện thời tiết năm nay trở nên tồi tệ hơn do El Nino.

Các chuyên gia cho biết nhiệt độ cao được ghi nhận ở nhiều khu vực khác nhau ở châu Á là kết quả của biến đổi khí hậu và El Nino - hiện tượng thời tiết làm ấm nước biển xảy ra 2-7 năm/lần.

Giáo sư Benjamin Horton, Giám đốc Đài quan sát Trái Đất ở Singapore, cho biết nguyên nhân cơ bản dẫn đến thời tiết khắc nghiệt trên khắp hành tinh là vì biến đổi khí hậu do con người gây ra.

"Hàng năm khi chúng ta bước sang tháng 5 và tháng 6, nếu đang ở giai đoạn El Nino, biến đổi khí hậu do con người gây ra sẽ khiến nhiệt độ luôn đạt mức kỷ lục. Vấn đề này đã được cảnh báo trong vài năm", ông nói với CNA.

Vì sao châu Á trở thành ''lò lửa'' của thế giới - ảnh 2

Nhiều nơi trên khắp thế giới đang ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục.

Theo chuyên gia, hiện tại, chính phủ và các doanh nghiệp cần suy nghĩ về vấn đề này một cách thực sự nghiêm túc và khẩn cấp, để cố gắng bảo vệ cuộc sống con người.

Báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) nhiều lần chỉ ra rằng châu Á là khu vực chịu nhiều thiên tai nhất thế giới do các mối nguy hiểm liên quan đến thời tiết, khí hậu và nước.

Các báo cáo này nhấn mạnh tốc độ gia tăng của các chỉ số biến đổi khí hậu quan trọng trong đó có nhiệt độ bề mặt. Châu Á đang nóng lên nhanh hơn mức trung bình toàn cầu. Xu hướng nóng lên đã tăng gần gấp đôi kể từ giai đoạn 1961-1990.

"Nhiều quốc gia trong khu vực đã trải qua năm 2023 nóng kỷ lục, cùng với hàng loạt điều kiện khắc nghiệt, từ hạn hán, nắng nóng đến lũ lụt và bão",Tổng thư ký WMO Celeste Saulo cho biết.

Cảnh báo về sức khỏe

Các chuyên gia cho biết những ngày nắng nóng không chỉ khó chịu mà còn không tốt cho sức khỏe. Nhiệt độ cao có tác động tới cơ thể vì thân nhiệt của con người chỉ khoảng 36,5 độ C.

Cơ thể đổ mồ hôi để giữ mát nhưng nếu lượng nước mất đi không được bổ sung thì tình trạng mất nước sẽ xảy ra. Tim cũng buộc phải hoạt động mạnh hơn khi cố gắng điều chỉnh nhiệt độ của cơ thể.

Giáo sư môi trường, khí hậu và sức khỏe toàn cầu Kathryn Bowen của Đại học Melbourne cho biết: "Chúng ta có ngưỡng giới hạn sinh lý đối với nhiệt. Nhiệt độ càng cao, cơ thể chúng ta càng phải làm việc nhiều hơn để có thể đối phó với sức nóng đó".

Tuy nhiên, cơ thể con người không thể duy trì mức nhiệt bên trong cao trong thời gian dài.

"Một phần vấn đề mà chúng ta đang thấy hiện nay là nhiệt độ qua đêm không giảm, khiến cơ thể không thể hạ nhiệt và phục hồi sau thời gian nắng nóng gay gắt ban ngày. Vì vậy, đó thực sự là một trong những thách thức lớn nhất mà chúng ta đang phải đối mặt", giáo sư Bowen nói thêm.

Vì sao châu Á trở thành ''lò lửa'' của thế giới - ảnh 3

Nắng nóng có thể gây ra hàng loạt vấn đề về sức khỏe, nhất là với trẻ em, người cao tuổi và người có bệnh về hô hấp hoặc tim mạch.

Kiệt sức do nhiệt là nguy cơ thường gặp khi cơ thể quá nóng và có thể bao gồm chóng mặt và đau đầu. Tiếp xúc kéo lâu với nhiệt độ cao cũng có thể dẫn đến say nắng, khi nhiệt độ cơ thể vượt quá 40,6 độ C. Trường hợp cấp cứu y tế, gồm các triệu chứng như thở gấp, lú lẫn hoặc co giật, có thể gây tổn thương nội tạng lâu dài và nguy cơ tử vong.

Một số nhóm có nguy cơ gặp phải các vấn đề cao hơn bao gồm trẻ nhỏ, người cao tuổi, vận động viên và các cá nhân làm việc ngoài trời. Nắng nóng cũng có thể ảnh hưởng đến những người có bệnh lý sẵn như bệnh hô hấp và tim mạch.

Giáo sư Horton cho biết những quốc gia có nhiệt độ nóng hơn trong những tuần gần đây thường phải đối mặt với nhiều vấn đề khác như ô nhiễm không khí ở khu vực đô thị. Bên cạnh sức khỏe thể chất, thời gian nắng nóng kéo dài cũng có thể ảnh hưởng đến tinh thần và cảm xúc.

Ngoài ra, giáo sư Bowen cho biết các vấn đề liên quan đến nắng nóng sẽ tạo ra khoảng cách đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là ở các nơi không có đủ cơ sở y tế để điều trị cho lượng lớn bệnh nhân.

"Cùng với những dự đoán về sự gia tăng cường độ và tần suất của các đợt nắng nóng, chúng ta phải đảm bảo rằng các cơ sở chăm sóc sức khỏe đã được chuẩn bị sẵn sàng", ông nói thêm.

Sách chữa lành tại Việt Nam

Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.