Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.

Vì sao người dân tộc thiểu số không mặc trang phục truyền thống?

Văn hoá 20/11/2022 - 23:20

TTO - Người dân tộc Pakô Vân Kiều không mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình nữa vì làm mất 3 tháng, mua mất khoảng 10 triệu đồng và cũng không tự tin khi mặc trang phục của mình trong môi trường sống đã rất khác xưa.

Vì sao người dân tộc thiểu số không mặc trang phục truyền thống? - ảnh 1

Trang phục truyền thống của người Tày, người Dao, người Mông xanh, người Nùng, người Sán Dìu (từ trái qua) - Ảnh:T.ĐIỂU

Đây cũng là tình cảnh chung trong việc sử dụng trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số khác ở Việt Nam hiện nay, được chia sẻ trong hội thảo khoa học "Giải pháp bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay", do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 19-11 tại Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam.

Hoạt động nằm trong khuôn khổ Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam", kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23-11.

Có quá nhiều lý do khá… chính đáng để người dân tộc thiểu số không còn mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình nữa. Cũng như người Kinh cũng không còn mặc áo tứ thân, đội khăn mỏ quạ.

Cơn lốc toàn cầu hóa đã cuốn tất cả những gì là truyền thống, bản sắc còn lại. Một xu hướng tưởng không thể cưỡng lại. Nhưng, cùng với ngôn ngữ, trang phục truyền thống được coi là bộ chỉ dấu về một tộc người. Vì vậy việc nỗ lực tìm giải pháp bảo tồn, phát huy trang phục truyền của các đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta là rất cần thiết.

Trong Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam" này, lần đầu tiên Vụ Văn hóa dân tộc tổ chức Liên hoan trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam cho chính các chủ thể của trang phục ấy trình diễn, một nỗ lực để khơi dậy lòng tự hào của người dân tộc thiểu số với trang phục truyền thống của dân tộc mình.

Vì sao người dân tộc thiểu số không mặc trang phục truyền thống? - ảnh 2

Một bạn trẻ trong trang phục truyền thống của người Mông hoa - Ảnh: T.ĐIỂU

Báo động

Tại hội thảo, rất nhiều tiếng nói từ chính người trong cuộc và các nhà nghiên cứu, nhà quản lý đã rung lên hồi chuông báo động về tình trạng trang phục truyền thống dần biến mất khỏi đời sống của người dân tộc thiểu số.

TS Nguyễn Anh Cường - trưởng khoa văn hóa dân tộc thiểu số, Đại học Văn hóa Hà Nội - cho biết ở khoa ông có tới 90% sinh viên là người dân tộc thiểu số, nhưng nếu nhìn vào trang phục trong lớp học thì sẽ không thấy ai là người dân tộc thiểu số.

Sinh viên của ông dù 90% là người dân tộc thiểu số nhưng hầu hết không hiểu rõ về trang phục truyền thống của dân tộc mình, rất ít bạn có trang phục truyền thống và hầu hết không còn biết làm trang phục truyền thống nữa.

"Thế hệ sau chắc chỉ còn nhìn thấy trang phục truyền thống trong bảo tàng", ông Cường lo ngại.

Vì sao người dân tộc thiểu số không mặc trang phục truyền thống? - ảnh 3

Bạn trẻ Hoàng Nguyễn Huyên trong trang phục truyền thống dân tộc Tày ở Cao Bằng của mình - Ảnh: T.ĐIỂU

Bạn trẻ Hoàng Nguyễn Huyên (khoa văn hóa dân tộc thiểu số), một người Tày ở Cao Bằng, cho biết ở quê mình những người trẻ dưới 30 tuổi đa phần chưa một lần mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình. Tình trạng cũng tương tự với các bạn người dân tộc thiểu số khác của Huyên ở khoa.

TS Trịnh Ngọc Chung, quyền trưởng ban Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam, kể đoàn công tác của làng văn hóa đã đi nhiều vùng, đến các làng dân tộc ít người như Brâu ở tỉnh Kon Tum với hy vọng giữ được nhiều truyền thống của dân tộc mình nhưng đã bất ngờ khi gặp một làng không còn nhà truyền thống, nghề truyền thống và trang phục truyền thống.

Khi hỏi lý do không mặc quần áo truyền thống nữa, bà con Pakô Vân Kiều cho biết vì trang phục truyền thống rất đắt và làm thủ công mất rất nhiều thời gian, mua mất 10 triệu đồng, làm mất 3 tháng, trong khi mua các bộ quần áo từ Lào đưa sang rất rẻ.

"Không mặc không có nghĩa là chúng tôi không giữ"

Giữa những tiếng than trách của các chuyên gia, nhà quản lý, nghệ nhân Vì Thị Ái, người Mông xanh ở huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên, khẳng định tình trạng không "bi đát" như vậy.

Chị cho biết ở trường phổ thông dân tộc nội trú chị giảng dạy, học sinh được yêu cầu mặc trang phục truyền thống vào thứ hai hằng tuần và trong các ngày lễ khác. Khi lên Hà Nội học đại học các em có thể không mặc trang phục truyền thống nữa nhưng "chúng tôi không mặc không có nghĩa là chúng tôi không giữ".

Chị Ái cho biết có nhiều lý do khiến mọi người không mặc trang phục truyền thống thường xuyên như làm mất nhiều công sức, thời gian, và khi mặc ở ngoài cộng đồng của mình thì không được dân tộc khác tiếp nhận và tôn trọng.

Nhưng ở quê chị mọi người vẫn thường xuyên mặc và truyền dạy cách làm trang phục truyền thống. Trẻ gái ở địa phương chị 5 tuổi là biết cầm kim thêu. Con gái chị nay 12 tuổi cũng có thể làm quần áo truyền thống.

"Chúng tôi đều mang ngọn lửa lưu giữ phát huy văn hóa truyền thống, chỉ chưa biết cách thổi bùng ngọn lửa đó", chị Ái nói và mong muốn được hỗ trợ thêm từ các chính sách của Nhà nước.

Chị cũng đồng ý với các chuyên gia rằng chỉ chủ nhân văn hóa mới bảo tồn tốt nhất, lâu bền nhất.