Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Cơn sóng ngầm ở Hàn Quốc

Chuyện lạ 11/03/2024 - 13:59

Gần 5.000 bác sĩ thực tập đã nhận được thông báo đình chỉ giấy phép từ chính phủ. Nếu không phản hồi đúng hạn, những người này sẽ chính thức mất quyền làm việc ở bệnh viện.

Cơn sóng ngầm ở Hàn Quốc - ảnh 1

Bác sĩ thực tập tham gia đình công sẽ phải đối mặt với án phạt nặng nề. Ảnh: Yonhap.

Ngày 11/3, Bộ Y tế Hàn Quốc đã gửi thông báo đến 4.944 bác sĩ thực tập về việc đình chỉ giấy phép hành nghề vì những người này vẫn đình công, bất chấp tối hậu thư của chính phủ.

Khi nhận được thông báo, trước ngày 25/3, các bác sĩ sẽ phải gửi phản hồi về vấn đề đình chỉ giấy phép, nếu không sẽ chính thức nhận hình phạt, theo Yonhap.

Chính phủ đang làm gì?

Nói thêm về vấn đề đình chỉ giấy phép hành nghề, Bộ trưởng Y tế Cho Kyoo-hong cho biết chính phủ sẽ có biện pháp khoan dung hơn nếu các bác sĩ thực tập trở lại làm việc trước khi thủ tục đình chỉ giấy phép hoàn tất.

Nếu vẫn cương quyết đình công để đối đầu với chính phủ, những bác sĩ này có nguy cơ bị tước giấy phép hành nghề ít nhất 3 tháng và nhiều nhất lên đến một năm.

Họ cũng có thể bị phạt 3 năm tù giam hoặc bị phạt 30 triệu won (tương đương 22.400 USD) nếu không tuân thủ quy định của chính phủ.

Cơn sóng ngầm ở Hàn Quốc - ảnh 2

Bộ trưởng Y tế Cho Kyoo-hong phát biểu trong họp báo vào sáng 11/3. Ảnh: Yonhap.

Ngoài những hình phạt đặt ra cho bác sĩ đình công, chính phủ Hàn Quốc sẽ thực hiện một số biện pháp xử phạt các bác sĩ thực tập đang tìm cách tấn công các đồng nghiệp muốn trở lại bệnh viện làm việc.

Lý do là gần đây, mạng xã hội nước này xuất hiện những cáo buộc rằng một số bác sĩ thực tập đình công đã cố tình tiết lộ tên và thông tin cá nhân của đồng nghiệp chỉ vì họ không tham gia đình công và biểu tình.

Kết quả, những người không đình công bị chính đồng nghiệp của mình bắt nạt trên mạng. Một số người từng đình công cũng bị quấy rối sau khi trở lại làm việc theo tối hậu thư của chính phủ.

Trước thông tin này, chính phủ cam kết sẽ nỗ lực để giúp đỡ các bác sĩ thực tập muốn trở lại làm việc, đồng thời vào cuộc điều tra những người tiết lộ thông tin cá nhân của đồng nghiệp.

Trường y rối ren

Không chỉ đối mặt với cơn thịnh nộ của bác sĩ thực tập, ngành y tế Hàn Quốc đang phải hứng chịu "cơn sóng ngầm" đến từ các sinh viên trường y.

Đáng lẽ vào đầu tháng 3, tất cả trường đại học Hàn Quốc sẽ khai giảng năm học mới. Nhưng kết quả, trong số 40 trường y trên cả nước, chỉ 10 trường khai giảng đúng lịch, 30 trường còn lại buộc phải hoãn kế hoạch vì sinh viên đồng loạt nộp đơn xin nghỉ học để phản đối kế hoạch tuyển sinh của chính phủ.

Tính đến ngày 10/3, 5.446 sinh viên y nộp đơn xin nghỉ học, các tài liệu đính kèm hồ sơ bao gồm chữ ký xác nhận của phụ huynh hoặc giáo sư. Tuy nhiên, con số này chỉ mới tính đến những trường hợp xin nghỉ học hợp lệ, con số thực tế còn cao hơn rất nhiều.

Nếu tính từ ngày 19/2 đến nay, tổng số sinh viên y nghỉ học (bao gồm có phép và không phép) là hơn 14.000 người. Con số này chiếm đến 74,7% tổng số sinh viên y hiện có của Hàn Quốc.

10 trường y khai giảng đúng lịch nhưng thực tế cũng không khả quan hơn là bao. Dù đã vào năm học mới, giảng đường trường y vẫn không một bóng người vì tất cả sinh viên đều nghỉ học

Nếu những cuộc tẩy chay vẫn xảy ra trên giảng đường, sinh viên sẽ phải đối mặt với tình trạng trượt môn vì các trường quy định nghỉ học 1/3 hoặc 1/4 số tiết sẽ bị tính là trượt.

Cơn sóng ngầm ở Hàn Quốc - ảnh 3

Giảng đường một trường y ở Busan không một bóng người vì sinh viên nghỉ học để phản đối chính phủ. Ảnh: Yonhap.

Ví dụ tại Đại học Hallym, sinh viên sẽ bị cho điểm F nếu không trở lại lớp vào trước ngày 14/3. Sau ngày này, những người vẫn nghỉ học sẽ bị tính là không đáp ứng đủ số tiết học tối thiểu trong một kỳ.

Trước tình hình này, Bộ trưởng Giáo dục Lee Ju-ho đã yêu cầu Hiệp hội Sinh viên Y khoa Hàn Quốc phản hồi đề xuất tham gia thảo luận trước 18h ngày 13/3. Theo đó, bộ sẽ có kế hoạch thảo luận với sinh viên về vấn đề học tập tại các trường y và bảo vệ quyền học tập của sinh viên.

Ai sẽ cứu lấy bệnh nhân?

Hơn 20 ngày trôi qua, ngành y tế Hàn Quốc đối mặt với cơn khủng hoảng ngày càng tệ hơn chứ không có dấu hiệu tiến triển tích cực. Bác sĩ đình công, giáo sư từ chức, sinh viên bỏ học..., tất cả đều bắt nguồn từ kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh do chính phủ nước này đặt ra.

Quyết định này của chính phủ nhằm giải quyết tình trạng thiếu bác sĩ ở khu vực nông thôn và một số lĩnh vực thiết yếu như nhi khoa, thần kinh, đồng thời giúp Hàn Quốc đối mặt với tình trạng dân số già và thiếu bác sĩ trong khoảng 10 năm tới.

Tuy nhiên, chính phủ lại không được các bác sĩ ủng hộ. Lý do là họ lo ngại việc nâng chỉ tiêu sẽ làm suy yếu chất lượng giáo dục trường y, đồng thời khiến chi phí điều trị, khám sức khỏe của bệnh nhân tăng cao.

Các bác sĩ kêu gọi thay vì mở rộng tuyển sinh, chính phủ nên giải quyết vấn đề lương thấp cho các bác sĩ chuyên khoa, đồng thời cải thiện các quy định pháp lý để bảo vệ bác sĩ trước những vụ kiện về tai nạn y tế.

Trước trận chiến không khoan nhượng giữa chính phủ và bác sĩ, bệnh nhân lại trở thành nạn nhân lớn nhất vì không được chữa bệnh kịp thời.

Do bác sĩ đình công, một bệnh nhân ung thư ống mật đang điều trị ở Seoul buộc phải chuyển đến một bệnh viện nhỏ. Bệnh viện nhỏ không đủ cơ sở vật chất và bác sĩ chuyên môn để điều trị, bệnh nhân này qua đời chỉ một ngày sau khi chuyển viện.

Một bệnh nhân khác cho biết việc điều trị ung thư của anh cũng bị hoãn 10 ngày do bác sĩ đình công tập thể. Kết quả, tế bào ung thư của anh di căn đến bộ phận khác.

"Nếu được điều trị kịp thời, tôi đã không bị ung thư di căn như vậy", bệnh nhân đau lòng nói với Yonhap.

Bất bình vì bệnh nhân trở "con tốt thí mạng" cho cuộc chiến của chính phủ và bác sĩ, một tổ chức bệnh nhân nước này đã tổ chức họp báo, kêu gọi chính phủ và bác sĩ bình thường hóa dịch vụ y tế để bệnh nhân được hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe như trước đây. Tổ chức này kêu gọi các bác sĩ ngừng đình công để trở lại giúp đỡ bệnh nhân.

Họ cũng yêu cầu được gặp Tổng thống Yoon Suk Yeol, đề nghị chính phủ công bố danh sách bác sĩ thực tập đình công và đồng thời đe dọa "sẽ sử dụng mọi biện pháp pháp lý" nếu chính phủ từ chối thực hiện.

Cuốn sách Ăn gì, khi nào của nhóm tác giả Michael CrupainMichael RoizenTed Spiker khám phá điểm giao thoa giữa “ăn cái gì” và “ăn khi nào”, phân tích tỉ mỉ cách thức những thực phẩm lành mạnh nhất tương tác với cơ thể bạn tùy thuộc vào thời điểm bạn ăn chúng, từ đó đưa ra một kế hoạch chi tiết giúp bạn có phương án ăn uống tối ưu mỗi ngày.