Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Van Gogh và các danh nhân nổi tiếng đã đọc cuốn sách nào khi trẻ

Phái đẹp 16/04/2024 - 13:44

Những cuốn sách này ít nhiều làm thay đổi bản thân người nghệ sĩ, giúp họ xoa dịu nỗi đau và là niềm cảm hứng để họ tạo nên những kiệt tác.

Van Gogh và các danh nhân nổi tiếng đã đọc cuốn sách nào khi trẻ - ảnh 1

Tác phẩm Tĩnh vật tiểu thuyết Pháp và hoa hồng (sơn dầu, kích thước 73 x 93 cm) của Vincent van Gogh tạo ra vào mùa thu năm 1887. Nguồn: awesomestories.

Trong cuốn Thư viện của những thần tượng, tác giả kiêm nhà báo phụ trách mục sách người Hàn Quốc Lee Ha-Young đã kể những câu chuyện xoay quanh cuộc đời, tác phẩm của các danh nhân âm nhạc, nghệ thuật, văn học, hội họa và những cuốn sách họ đã đọc thời còn trẻ.

Những cuốn sách ẩn giấu sau tác phẩm nghệ thuật bất hủ

Lee Ha-Young là người rất yêu sách. Ngay từ nhỏ cô đã dành sự quan tâm đặc biệt đến tủ sách của người khác. Mỗi lần đến nhà bạn chơi, thăm văn phòng của giáo sư, phòng làm nhạc, xưởng vẽ, hay là xem phim và thưởng lãm tranh, cô sẽ phát hiện một cuốn sách nào đó. Nhờ mối lương duyên này, mà cô đã viết cuốn Thư viện của những thần tượng.

Theo Lee Ha-Young, bức tranh Tĩnh vật tiểu thuyết Pháp và hoa hồng của Vincent van Gogh chính là tác phẩm truyền cảm hứng để cô thực hiện cuốn sách này. Khi lần đầu tiên thấy bức tranh ở Viện bảo tàng Mỹ thuật, cô đã chăm chú quan sát thật kĩ và muốn biết tên của những cuốn sách xuất hiện trong bức tranh, nhưng thông tin của sách lại không được đưa vào.

Việc tò mò những cuốn sách tiếng Pháp mà Van Gogh đã đọc khiến Lee Ha-Young tự hỏi: “Những người làm nghệ thuật sẽ bị một cuốn sách như thế nào mê hoặc?”. Để giải đáp câu hỏi này, cô đã viết bài báo lần theo dấu vết của cuốn sách ẩn giấu trong tác phẩm bất hủ của Van Gogh. Sau đó, cô phát triển thành loạt bài nhiều kỳ, rồi tập hợp lại thành một cuốn sách.

Lee Ha-Young cho hay, trong hành trình thú vị này, cô đã đọc vô số tài liệu về cuộc đời và tác phẩm của các nghệ sĩ âm nhạc, nghệ thuật, văn học, nhiếp ảnh và những cuốn sách mà họ đã đọc.

Chẳng hạn như Beethoven đã đọc vở kịch Giông tố của William Shakespeare, Lev Tolstoy đã đọc Bất tuân dân sự của Henry David Thoreau, Vincent van Gogh đã đọc Sự tôn thờ anh hùng của Thomas Carlyle, Paul Gauguin đã đọc Những người khốn khổ của Victor Hugo, Oscar Wilde đã đọc Bác sĩ Jekyll và ông Hyde của Louis Stevenson, Charlie Chaplin đã đọc Oliver Twist của Charles Dickens.

Hay Isadora Duncan đã đọc Zarathustra đã nói như thế của Friedrich Nietzsche, Gustav Mahler đã đọc Don Quixote của Miguel de Cervantes, Auguste Rodin đã đọc trường ca Thần khúc của Dante Alighieri, Edouard Manet đã đọc Những lời bộc bạch của Jean-Jacques Rousseau, Ernest Hemingway đã đọc Những cuộc phiêu của Huckleberry Finn của Mark Twain, Frida Kahlo đã đọc Chân dung của Dorian Gray của Oscar Wilde…

Cuộc đời là tan biến nghệ thuật là vĩnh cửu

Từ việc tìm hiểu cuộc đời, số phận và cuốn sách định mệnh của các danh nhân nổi tiếng trên thế giới, Lee Ha-Young nhận ra rằng trong lúc nỗi đau và sự tuyệt vọng nhấn chìm tâm hồn những người nghệ sĩ, họ đều tìm đến sách để được xoa dịu, giải khuây. Khi các nghệ sĩ tìm đến sự hòa giải với số phận của mình và bắt đầu thực hiện những bước nhảy vọt mới và sự bình an nội tại, sách luôn ở bên họ.

Van Gogh và các danh nhân nổi tiếng đã đọc cuốn sách nào khi trẻ - ảnh 2

Sách Thư viện của những thần tượng. Ảnh: Meggy's Choice.

Với 22 bài viết kèm những hình ảnh minh họa tác phẩm của các nghệ sĩ, Thư viện của những thần tượng sẽ đưa bạn đọc quay về quá khứ - thời điểm những người nổi tiếng đó tạo ra kiệt tác để đời của mình.

Bạn có thể được gặp hình ảnh một Beethoven đứng giữa mùa đông cuộc đời, một mình chịu nỗi đau trước hiện thực tàn nhẫn rằng bản thân đang mất dần đi thính giác. Đó là thời điểm ông ngồi đọc Giông tố của William Shakespeare để hòa giải với số phận và viết nên bản nhạc cùng tên nhanh như vũ bão, đánh dấu bước nhảy vọt trong sự nghiệp sáng tác âm nhạc của mình.

Hay hình ảnh một Van Gogh đọc sách ở phòng tranh rồi lại vẽ tranh ở tiệm sách, một kẻ trầm uất đi ngược lại với lẽ thường và không được hoan nghênh bất cứ đâu.

Cuộc sống hàng ngày của Van Gogh xoay quanh việc đọc, viết, vẽ và cầu nguyện. Và trung tâm của cuộc sống đó là sách. Vincent van Gogh đã nhìn thế giới và đọc chính mình thông qua sách. Người ta nói rằng cảm xúc về mối tình đầu của ông với cô em gái họ bị ảnh hưởng bởi cuốn sách L’amour (Tình yêu) của Jules Michelet.

Van Gogh coi Stephen Blackpool, nhân vật xuất hiện trong tiểu thuyết Hard time (Thời đại gian khó) của Charles Dickens giống bản thân mình. Ông nhận thấy bản thân không thể hòa nhập với thế giới từ chính câu chuyện của Stephen Blackpool, một con người bị vắt kiệt sức như một con thú ở nhà máy và bị đẩy ra khỏi thế giới loài người.

Van Gogh cũng coi cuộc đời là tan biến nhưng nghệ thuật là vĩnh cửu. Vào lúc đọc tác phẩm Sự tôn thờ anh hùng của Thomas Carlyle (ông cũng thổ lộ đọc cuốn sách này 2 lần), ông dường như đã có sự cảm rằng họa sĩ sẽ trở thành những vị anh hùng của thế hệ sau. Và trong thời đại chúng ta, ông đã nắm giữ vị trí “họa sĩ đầu tiên được tôn thờ như một vị anh hùng”.

Trong Thư viện của những thần tượng, bạn đọc sẽ bắt gặp hình ảnh một Charlie Chaplin nhỏ tuổi dành dụm tiền mua cuốn Oliver Twist của Charles Dickens, đồng thời nhận thấy ông yêu sách đến dường nào. Charlie Chaplin luôn nói rằng ông không có xuất thân bề thế, không có bằng cấp, không có cả mối quan hệ, nhưng ở đầu giường của ông lúc nào cũng có sách.

Bạn đọc sẽ thấy Frrida Kahlo là một cô gái mọt sách trong thư phòng đầy ắp sách triết học, văn học… luôn cảm thấy nhàm chán với những buổi học của một ngôi trường quốc gia. Hay sẽ thấy những điệu nhảy của vũ công Isadora Duncan mang hơi thở triết học của Nietzsche, hoặc chủ nghĩa lý tưởng và sự thuần khiết của Don Quixote trong âm nhạc cũng như dàn giao hưởng dưới sự chỉ huy của Gustav Mahler…

Bạn đọc cũng sẽ có một cái nhìn về cuộc sống và thế giới công việc của một số danh nhân khác đã vượt qua nỗi đau của sự sáng tạo, đồng thời nếm trải những cung bậc cảm xúc khác nhau khi đọc những bức chân dung tự họa của các nghệ sĩ, cùng với niềm vui khi khám phá những cuốn sách tạo nên kiệt tác của họ.

Có thể nói, Thư viện của những thần tượng thực sự là món quà tuyệt vời dành cho những ai yêu nghệ thuật, hay đơn giản hơn là những người tò mò muốn biết cuốn sách nào đã làm mê mẩn những thần tượng của bạn và của người khác, như nữ tác giả Lee Ha-young của cuốn sách này.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.