Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

''Chuyện trong nhà ngoài xóm miệt Hậu giang'' gây thương nhớ

Văn hoá 24/11/2022 - 03:44

TTO - Hằng ngày, người ta xưng hô, trò chuyện, tâm tình và rủ mời hùn hạp làm ăn... một phần nét văn hóa với lời ăn tiếng nói dân dã, mộc mạc của vùng sông nước miền Tây trong “Chuyện trong nhà ngoài xóm miệt Hậu giang" gây thương nhớ.

''Chuyện trong nhà ngoài xóm miệt Hậu giang'' gây thương nhớ - ảnh 1

Toàn cảnh buổi ra mắt sách "Chuyện trong nhà ngoài xóm miệt Hậu giang" tại khuôn viên Đường sách TP Cao Lãnh - Ảnh: TỐNG DOANH

Chiều 22-11, trong khuôn khổ tuần lễ khánh thành Đường sách TP Cao Lãnh, UBND TP Cao Lãnh phối hợp với NXB Tổng Hợp TP.HCM và Công ty cổ phần Ngôi Sao Biển trung tâm Sài Gòn tổ chức giao lưu giới thiệu tác phẩm Chuyện trong nhà ngoài xóm miệt Hậu giang của tác giả Trần Minh Thương.

Tập sách gồm 334 trang, kể lại những gì mà cha ông đã đem ra đối đãi nhau trong tình thân tộc, nghĩa xóm làng miệt Hậu giang có những nét tương đồng với miền quê khác, nhất là vùng Tây Nam Bộ.

Chia sẻ với các độc giả về những chuyện trong nhà ngoài xóm đặc sắc, riêng biệt mà không nơi nào khác có tại vùng đất miệt Hậu giang, tác giả Trần Minh Thương chia sẻ: "Vùng đất mới Hậu giang nơi tôi sinh ra và lớn lên, được nghe và chứng kiến nhiều cách thức ứng xử độc đáo của bà con miền quê.

Hàng ngày, người ta xưng, hô, kêu (gọi) nhau để giao tiếp, trò chuyện, tâm tình, lúc lại gọi để cho nhau chén canh, tô cháo; thiếu hụt thì chạy tìm vay mượn hàng xóm; đồ dùng không hết thì đem bán cho người cần mua... 

Những nhu cầu tất yếu đó như hơi thở, miếng ăn, giấc ngủ... của con người. Nó liên tục diễn ra và góp phần hình thành nên nét văn hóa ứng xử trong dân gian".

''Chuyện trong nhà ngoài xóm miệt Hậu giang'' gây thương nhớ - ảnh 2

Cận cảnh tập sách viết về miệt Hậu giang gây thương nhớ - Ảnh: TỐNG DOANH

Có một điều nhiều bạn đọc thắc mắc là từ "giang" trong "Hậu giang" lại được viết thường. "Chữ Hậu Giang nếu viết hoa thì nó sẽ gắn liền với địa danh hành chính tỉnh Hậu Giang. Tôi không viết hoa chữ giang để chỉ sông Hậu và hướng đến một không gian văn hóa vùng hơn là một địa danh hành chính. Tất nhiên trong Hậu giang có Hậu Giang. Tỉnh Hậu Giang là một phần không thể thiếu của vùng đất quanh sông Hậu", tác giả Trần Minh Thương nói. 

Để viết nên tập sách dày, công phu như thế, ngoài chất liệu sẵn có từ đời sống, tác giả đã dành rất nhiều thời gian và tâm huyết để thu tập tài liệu, đi thực tế để tìm hiểu những con người cụ thể và câu chuyện cụ thể. Để từ đó chuyển đến độc giả nhiều câu chuyện kể rất chân thực, tự nhiên như lời ăn tiếng nói hàng ngày của bà con miền quê.

Ngoài ra khi đọc tác phẩm, bạn đọc sẽ đi từ bất ngờ này đến muôn kiểu nhắn, gởi, hùn hạp, lời mời rủ nghe thân thương, đậm tình như: từ nhắn lời, gởi nhà cửa đến gởi con, gởi cháu; hùn nhau nuôi lợn, hùn nấu bánh tét, mời khách đến nhà, đám tiệc hay giỗ quải...

Đặc biệt có một nét văn hóa miền Tây bẹo hàng trên chợ nổi miệt Hậu giang buôn bán trên ghe xuồng ở chợ nổi tấp nập rộn ràng, bà con rao hàng độc đáo bằng cách bẹo. Tức là hàng hóa hay đồ ăn thức uống được trưng ra để tạo sự hấp dẫn, bày biện trên mui ghe, treo tòn ten trên cây sào, bán gì bẹo nấy, cũng được tái hiện một cách mới mẻ nhất trong tập sách lần này.

Chuyện trong nhà ngoài xóm miệt Hậu giang ghi lại nét văn hóa đặc trưng miền sông nước, đậm đà tình làng nghĩa xóm, lời ăn tiếng nói mộc mạc, thiệt lòng thiệt dạ của người dân hứa hẹn sẽ làm hài lòng độc giả yêu mến vùng đất này.

Tác giả Trần Minh Thương, bút danh Thạch Ba Xuyên, là giáo viên Trường THPT Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng. Ông đã xuất bản nhiều đầu sách viết về văn hóa dân gian đặc sắc miền Tây như: Chuyện ăn uống của người bình dân Sóc Trăng, nhìn từ góc độ văn hóa dân gian (2015), Trò chơi dân gian Sóc Trăng (2016), Hương sắc miền Tây (2018), Ăn Tết chơi Tết miền Tây (2020), Phong tục miệt Nam sông Hậu (2020).