Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Đằng sau sự đổ vỡ của ca sĩ Việt và công ty quản lý

Phái đẹp 28/03/2024 - 14:23

Trước khi Sofia và Châu Đăng Khoa trục trặc, nhiều ca sĩ Việt rời khỏi công ty trong ồn ào. Mâu thuẫn như thế vẫn nổ ra khá thường xuyên ở Vpop.

Đằng sau sự đổ vỡ của ca sĩ Việt và công ty quản lý - ảnh 1

Từng tuyên bố tin tưởng Châu Đăng Khoa như người nhà bất chấp những ồn ào trước đó của nam nhạc sĩ, thế nhưng chỉ sau khoảng 3 năm đồng hành, Sofia mới đây đã thừa nhận giữa cô và đàn anh có trục trặc.

Sofia cho biết 2 năm qua, sự nghiệp của cô gián đoạn, không có sản phẩm mới. Nữ ca sĩ không tìm được tiếng nói chung với Châu Đăng Khoa và muốn trực tiếp gặp mặt đàn anh để trao đổi. Tuy nhiên, theo Sofia, suốt 3 tháng qua, Châu Đăng Khoa và phía công ty liên tục từ chối, làm khó cô.

Châu Đăng Khoa vẫn chưa lên tiếng về sự việc và vì thế nó làm dấy lên nhiều đồn đoán trên mạng xã hội. Một lần nữa, nam nhạc sĩ và công ty của anh rơi vào ồn ào liên quan đến nghệ sĩ. Trước đó là Orange và Lyly.

Những vụ “dứt áo rời đi” không mấy êm đẹp của nghệ sĩ với công ty quản lý không hề hiếm ở Vpop, chẳng hạn Sơn Tùng với Văn Production, Erik thời rời ST.319, Jack với ICM Entertainment...

Những vụ chia tay của Vpop

Thông tin Liz Kim Cương rời BPRO Entertainment được đăng tải cuối năm 2023. Màn chia tay này không quá ồn ào nhưng thời điểm đó, thông tin Liz Kim Cương phải trả khoản nợ hơn 1 tỷ đồng cho công ty để được kết thúc hợp đồng râm ran mạng xã hội.

Trước thông tin này, BPRO Entertainment khẳng định không bắt Liz Kim Cương bồi thường thiệt hại theo hợp đồng đã ký kết. Thay vào đó, Liz Kim Cương chỉ cần hoàn vốn đầu tư cho công ty. Công ty BPRO cũng tạo điều kiện để Liz Kim Cương hoàn trả bằng hình thức trừ dần dựa trên doanh thu hàng tháng.

“Không có tiếng nói chung”, “vi phạm hợp đồng”, “bóc lột”, “bồi thường thiệt hại” hay đặc biệt “không minh bạch chuyện thu nhập” là những nội dung thường xuyên được nhắc đến trong những vụ chia tay không êm đẹp giữa công ty với nghệ sĩ.

Văn Production từng tố Sơn Tùng vi phạm điều khoản hợp đồng. Trong khi đó, Sơn Tùng phản pháo công ty không có kế hoạch để nghệ sĩ phát triển sự nghiệp, thậm chí “cấm” anh lưu diễn trong 6 tháng.

Vụ việc giữa Jack và công ty ICM từng gây xôn xao thị trường giải trí Việt. Cuối năm 2019, hai bên nổ ra mâu thuẫn. Jack không trực tiếp lên tiếng nhưng khi đó có thông tin nam ca sĩ bị công ty bóc lột mà không được trả tiền xứng đáng dẫn đến đổ bệnh. Sau đó, trong cuộc trò chuyện với Tri thức - Znews, K-ICM khẳng định công ty không bóc lột Jack. Nếu có bất cứ bằng chứng nào cho thấy sự bóc lột, Jack cứ công khai.

Cũng với lý do thiếu minh bạch chuyện tiền nong, Erik, Orange hay Lyly đã rời công ty quản lý trong đấu tố, ồn ào.

Đầu năm 2020, LyLy và Orange lên tiếng tố công ty giải trí của Châu Đăng Khoa làm việc không minh bạch. Cả hai bày tỏ trạng thái bức xúc trên trang cá nhân khi không nhận được lời giải thích thỏa đáng từ phía công ty.

Đằng sau sự đổ vỡ của ca sĩ Việt và công ty quản lý - ảnh 2 Đằng sau sự đổ vỡ của ca sĩ Việt và công ty quản lý - ảnh 3

Sofia xác nhận đang trục trặc với Châu Đăng Khoa. Ảnh: FBNV.

Sau đó, Châu Đăng Khoa gửi đơn kiện đến TAND quận 7 yêu cầu Orange - Ly Ly bồi thường thiệt hại cùng tiền vi phạm hợp đồng lên đến 15,5 tỷ đồng. Theo nội dung đơn kiện, Công ty TNHH Superbrothers của Châu Đăng Khoa ký hợp đồng quản lý với Lyly và Orange trong vòng 5 năm. Tuy nhiên, khi mới thực hiện hợp đồng được 8 tháng, hai bên xảy ra mâu thuẫn.

Vụ việc ồn ào suốt thời gian dài cho đến khi Lyly và Orange lần lượt lên tiếng xin lỗi. Thế nhưng sự việc của 2 ca sĩ vừa khép lại thì đến Sofia bày tỏ sự không hài lòng với công ty của Châu Đăng Khoa.

Đằng sau sự đổ vỡ

Ngay cả với thị trường Kpop hào nhoáng và đã vươn tầm quốc tế, hàng chục vụ kiện cáo giữa nghệ sĩ với các công ty giải trí vẫn xảy ra nhiều năm qua.

Ba thành viên của nhóm nhạc nam EXO là Chen, Baekhyun và Xiumin đệ đơn khiếu nại SM Entertainment lên Ủy ban Thương mại Công bằng vào ngày 5/6/2023. Các thần tượng cáo buộc công ty ép họ ký hợp đồng không công bằng và không cung cấp cho họ đầy đủ thông tin chi tiết về các khoản thanh toán kể từ khi ra mắt vào năm 2012.

Tương tự, tất cả thành viên của Loona nộp đơn yêu cầu chấm dứt hợp đồng với công ty vì phân chia lợi nhuận không công bằng và ép làm việc quá sức.

Họ chỉ là số ít trong những nghệ sĩ Hàn Quốc đã đứng lên tố cáo công ty. Loona giành chiến thắng trong cuộc chiến với công ty nhưng cũng có những nghệ sĩ đối mặt với tình huống đền bù hợp đồng, chẳng hạn trường hợp Fifty Fifty mới đây. Kết quả khác nhau nhưng cho thấy mâu thuẫn giữa công ty với nghệ sĩ là khó tránh ở bất cứ thị trường nào. Lý do dẫn đến xích mích rất nhiều nhưng phần lớn đến từ việc ăn chia thu nhập.

Đằng sau sự đổ vỡ của ca sĩ Việt và công ty quản lý - ảnh 4

Nhóm nhạc Loona cùng đâm đơn kiện công ty quản lý. Ảnh: Block Berry Creative.

Trao đổi với Tri thức - Znews, anh Đặng Nhật Trường - đại diện NTT Entertainment, từng quản lý Rhyder - nhận định ca sĩ và quản lý thế hệ trước thường lâu bền bởi họ đã đi cùng nhau từ những ngày đầu khó khăn và đến thành công như bây giờ. Ngoài công việc, giữa họ có cả tình cảm, xem nhau như người nhà.

Ở hiện tại, mạng xã hội phát triển nhanh, ca sĩ cũng dễ trở thành sao. Và nghành công nghiệp giải trí cũng phát triển theo nhu cầu, các công ty và các bạn trẻ đều tìm cho nhau một cơ hội cộng tác. Khi mọi thứ công nghiệp hóa, bắt buộc sẽ có sự ràng buộc quyền lợi lẫn nhau nên vấn đề tình cảm ít nhiều mất đi. Nghệ sĩ muốn nhanh "hot", công ty cũng muốn nghệ sĩ thành công để kiếm tiền và đó là áp lực của đôi bên.

Do đó, sự tan vỡ giữa công ty quản lý với nghệ sĩ có thể đến từ một trong hai phía. Chẳng hạn khi nghệ sĩ nổi tiếng sẽ đòi hỏi quyền lợi cao hơn hoặc được công ty khác mời chào với hợp đồng béo bở hơn. Ngược lại, công ty đôi khi cũng có thể quá nôn nóng trong việc kiếm tiền, thiếu minh bạch tiền nong dẫn đến hai bên xích mích, anh Nhật Trường nhận định.

Anh Nhật Trường cũng chỉ ra một thực trạng ở Vpop là ít công ty chịu nhìn nhận và thay đổi điều khoản theo từng mốc thành công của nghệ sĩ.

“Khi đích thân công ty bỏ tiền đào tạo các ngôi sao, ban đầu có thể họ chỉ chi trả tiền lương thực tập sinh. Nhưng về sau khi nghệ sĩ đã phát triển và thành công hơn, các công ty cũng cần thay đổi chính sách về quyền lợi đôi bên. Thậm chí khi nghệ sĩ lên tầm sao lớn và là 'con gà đẻ trứng vàng', công ty cần có chế độ tốt để giữ chân”.

Anh Nhật Trường lấy ví dụ trường hợp TWICE của Kpop. Sau khi hết hạn hợp đồng với công ty quản lý JYP, 9 thành viên của TWICE đều tái ký để tiếp tục đồng hành cùng công ty. Khi được hỏi về việc này, thành viên Chaeyoung xác nhận tỷ lệ ăn chia thu nhập giữa công ty và các thành viên đã thay đổi so với thời mới ra mắt. Tỷ lệ mới có lợi hơn cho các thành viên TWCE để xứng đáng với việc họ kiếm về số tiền rất lớn cho JYP.

“Mấu chốt đã là công việc thì ta nên thẳng thắn chia sẻ, nói chuyện cùng nhau và hiểu nhau. Nghệ thuật lại là việc khá nhạy cảm khi nhận được sự quan tâm từ nhiều người và người làm nghệ thuật khá cảm xúc. Do đó, sự minh bạch, rõ ràng càng cần thiết”, anh Nhật Trường nhận định.

Cuốn sách đáng đọc về âm nhạc

Những nốt nhạc tỉnh thức ghi lại những khám phá của tác giả Tricia Tunstall, và những nỗ lực làm sáng tỏ khả năng gần như kỳ diệu của El Sistema để truyền cảm hứng cho mọi người. Shout! The Beatles: Hơi thở thời đại của thế kỷ 20 viết về ban nhạc The Beatles từ những ngày đầu mơ mộng, đến đỉnh cao của vinh quang; giai đoạn thoái trào với nhiều thông tin, sự kiện thú vị.

Wham! - George & tôi: Hồi kí, Nhạc cổ điển: Những mảnh ghép sắc màu, Beethoven - Bản nhạc đam mê là những cuốn sách dành cho độc giả yêu âm nhạc tìm hiểu về những nhóm nhạc nổi tiếng thế giới cũng như có thêm góc nhìn mới mẻ, gần gũi về nền âm nhạc cổ điển.