Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Luật hóa các chính sách để phát triển công nghiệp cơ khí trong nước

Kinh tế 07/06/2023 - 09:42

Chuyên gia cho rằng cần phải xây dựng Luật phát triển công nghiệp để cụ thể hóa các ưu đãi, chính sách phát triển công nghiệp, qua đó thúc đẩy công nghiệp cơ khí nội địa.

“Thời gian qua, đã có một số văn bản pháp luật về phát triển cơ khí được ban hành như Chiến lược phát triển cơ khí theo Quyết định số 319/QĐ-CP, một số nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ… Tuy nhiên, quyết định này quá chung chung, không đưa ra được định hướng cũng như cơ chế nào cho ngành cơ khí. Ngoài ra còn có một số cơ chế về nội địa hóa thiết bị các nhà máy nhiệt điện trong Quyết định số 1791/QĐ-TTg nhưng không có chế tài để thực hiện”, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) Nguyễn Chỉ Sáng đánh giá.

Theo ông Sáng, một trong những nút thắt cơ bản để phát triển công nghiệp cơ khí Việt Nam là chưa có khung pháp lý thống nhất, đồng bộ và đủ mạnh làm cơ sở thúc đẩy phát triển ngành cơ khí. Vì vậy, khi các cơ chế, chính sách phát triển ngành cơ khí được luật hóa thì ngành này mới có cơ hội phát triển.

Công nghiệp cơ khí có thể tụt hậu

Theo Phó chủ tịch VAMI, công nghiệp cơ khí chế tạo Việt Nam đã có những bước tiến lớn nhưng vẫn phát triển chậm, thậm chí bị tụt hậu so với nhiều quốc gia trong khu vực.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong vòng 5 năm gần đây, tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành cơ khí đạt 35% nhu cầu của thị trường nội địa. Hầu hết máy móc, thiết bị lĩnh vực cơ khí đều phải nhập ngoại, trừ một số thiết bị Chính phủ định hướng chế tạo trong nước như thiết bị cơ khí thủy công của nhà máy thủy điện, một số thiết bị của nhà máy nhiệt điện như hệ thống cung cấp than, lọc bụi tĩnh điện, hệ thống thải tro xỉ, máy biến thế các loại, các hệ thống vận chuyển, kết cấu thép…

Luật hóa các chính sách để phát triển công nghiệp cơ khí trong nước - ảnh 1

Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong vòng 5 năm gần đây, tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành cơ khí đạt 35% nhu cầu của thị trường nội địa. Ảnh: Việt Linh.

Trong ngành máy nông nghiệp, các doanh nghiệp cơ khí trong nước mới làm chủ thị trường xay xát, chế biến lúa gạo, cung cấp 40% thị phần máy động lực công suất dưới 80 HP…, còn lại phần lớn máy móc, thiết bị đều phải nhập khẩu. Việc sản xuất các thiết bị thăm dò, khai thác dầu khí hay thiết bị cho ngành đóng tàu dù đã có những bước tiến, song chưa được như kỳ vọng.

Mặt khác, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và sản phẩm được cung cấp cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, xuất khẩu ra thế giới. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp như vậy còn ít, chủng loại hàng hóa chất lượng cao chưa nhiều, giá trị hàng hóa còn khiêm tốn.

Trong khi đó, theo các chuyên gia, trong thời gian tới, cơ hội cho ngành cơ khí Việt Nam là rất lớn, bởi Việt Nam sẽ triển khai nhiều dự án quan trọng quốc gia có tổng mức đầu tư lớn. Điển hình như Quy hoạch điện VIII giai đoạn từ 2021-2030, tầm nhìn 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt với chi phí dự kiến khoảng 133 tỷ USD. Ngoài ra, còn dự án đường sắt tốc độ cao sẽ xây dựng trong 20 năm tới trị giá khoảng 50-60 tỷ USD.

Luật hóa các chính sách để phát triển công nghiệp cơ khí trong nước - ảnh 2

Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, cơ hội cho ngành cơ khí Việt Nam là rất lớn, bởi Việt Nam sẽ triển khai nhiều dự án quan trọng quốc gia có tổng mức đầu tư lớn. Ảnh: Báo Điện tử Chính phủ.

Một số dự án lớn khác có thể kể đến như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các tuyến đường sắt đô thị, các công trình giao thông, thủy lợi, dầu khí, kinh tế biển, đóng tàu, ôtô, xe máy… Việt Nam cũng là quốc gia có dân số vượt 100 triệu dân, do đó, nhu cầu về máy móc, thiết bị ngày càng lớn.

Để nắm bắt cơ hội này, Phó chủ tịch VAMI đề xuất cần sớm xây dựng Luật Cơ khí hoặc Luật phát triển công nghiệp để tạo lập khung pháp lý thống nhất, đồng bộ và đủ mạnh để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, thúc đẩy ngành cơ khí phát triển. Bởi, khi Luật Cơ khí ra đời sẽ có những cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy ngành phát triển, đem lại công ăn việc làm, giảm giá thành đầu tư, tự chủ trong quá trình đầu tư, xây dựng và vận hành thiết bị.

Đồng tình với kiến nghị này, Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) cho rằng việc ban hành cơ chế chính sách để các chủ trương đi được vào đời sống doanh nghiệp lại chưa kịp thời.

Để duy trì lợi thế cạnh tranh ngành công nghiệp hỗ trợ, HANSIBA đề xuất cần sớm xây dựng Luật Công nghiệp hỗ trợ và ban hành trong thời gian nhanh nhất. Bên cạnh đó, HANSIBA đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo cấp Nhà nước với sự tham gia của một số bộ/ban/ngành, đại diện tỉnh, thành phố, đại diện doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ để thống nhất chỉ đạo thúc đẩy giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

Sắp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Luật Công nghiệp nền tảng

Cho rằng cơ chế chính sách cũng cần nhất quán, rõ ràng để doanh nghiệp có thể tận dụng một cách tối đa, tại Hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng với các doanh nghiệp ngày 11/8/2022 về chủ đề "Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững", Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (Thaco) cũng đã đề xuất sớm xây dựng Luật phát triển công nghiệp ngay trong năm 2023.

Thaco cam kết tiếp tục đóng góp phát triển cho các ngành kinh tế trọng yếu của đất nước với tầm nhìn trở thành doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về lĩnh vực cơ khí và công nghiệp hỗ trợ, ôtô, nông nghiệp, logistics, đầu tư – xây dựng và thương mại dịch vụ. Thaco cho rằng để thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp cơ khí và công nghiệp ôtô, Chính phủ cần thực hiện một số giải pháp để tạo động lực phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh nhanh và bền vững.

Luật hóa các chính sách để phát triển công nghiệp cơ khí trong nước - ảnh 3

Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (Thaco) cũng đã đề xuất sớm xây dựng Luật phát triển công nghiệp ngay trong năm 2023. Ảnh: Việt Linh.

Cụ thể, với ngành cơ khí và công nghiệp hỗ trợ, để giúp doanh nghiệp lắp ráp sản xuất ôtô trong nước gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, các doanh nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội sửa đổi bổ sung Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và bổ sung Luật phát triển công nghiệp vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2023.

“Việc có các hành lang pháp lý như Luật phát triển công nghiệp sẽ giúp thu hút các doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp, thúc đẩy xây dựng nền công nghiệp tự chủ, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, đại diện Thaco cho biết.

Với ngành công nghiệp ôtô, để giúp doanh nghiệp lắp ráp sản xuất ôtô trong nước gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, Thaco kiến nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội sửa đổi bổ sung Luật thuế tiêu thụ đặc biệt. Trong đó, giá tính thuế giá trị đặc biệt đối với ôtô sản xuất trong nước tính theo giá trị sản xuất trong nước (còn gọi là tỷ lệ nội địa hóa) được khấu trừ vào giá thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đề xuất của Thaco về việc cần sớm có Luật Phát triển công nghiệp cũng là ý kiến được nhiều doanh nghiệp trong ngành công nghiệp ôtô, công nghiệp chế biến, chế tạo nêu ra tại các cuộc làm việc với Bộ Công Thương, Chính phủ.

Luật hóa các chính sách để phát triển công nghiệp cơ khí trong nước - ảnh 4

Dự thảo dự án Luật Phát triển công nghiệp, khi được ban hành sẽ giúp điều chỉnh các hoạt động phát triển một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Theo dự thảo dự án luật Luật Phát triển công nghiệp, khi được ban hành sẽ giúp điều chỉnh các hoạt động phát triển một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên như công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp điện tử, công nghiệp cơ khí, công nghiệp chế tạo phục vụ ngành năng lượng và các ngành công nghiệp khác theo định hướng phát triển trong từng thời kỳ. Luật cũng sẽ giúp quy định về các chính sách, hoạt động phát triển một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nền tảng, trọng điểm tại Việt Nam.

Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết trên cơ sở tờ trình của Chính phủ ngày 14/4/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có ý kiến nhất trí với sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật Phát triển Công nghiệp, tuy nhiên, cần cân nhắc, xác định rõ về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật.

Dựa trên ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng như bám sát chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương tại Nghị quyết số 29-NQ/TW, Bộ Công Thương đã tiếp thu và chỉnh sửa theo hướng thu gọn phạm vi thành xây dựng Luật Công nghiệp nền tảng.

Hiện hồ sơ đã được trình Chính phủ tại phiên họp chuyên đề pháp luật. Sau đó, sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2023.