Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Phim ''Dune'' đang chiếm đoạt văn hóa?

Chuyện lạ 12/03/2024 - 20:24

Bộ phim được cho sử dụng hình ảnh Hồi giáo, văn hóa Trung Đông nhưng lại không có bất kỳ diễn viên chính, biên kịch hay nhà sản xuất nào đến từ MENA hoặc theo đạo Hồi.

Phim ''Dune'' đang chiếm đoạt văn hóa? - ảnh 1

Tại buổi ra mắt phim Dune 2 ở London vào ngày 15/2, sự xuất hiện của diễn viên Anya Taylor-Joy khiến nhiều người kinh ngạc.

Cô mặc bộ trang phục may đo cao cấp màu trắng của Dior. Chiếc váy dài thướt tha che phủ cơ thể đến tận gót chân giống như abaya, loại trang phục được phụ nữ Hồi giáo mặc. Còn chiếc khăn trùm đầu che kín mái tóc của cô tương tự khăn hijab của phụ nữ ở vùng Vịnh.

Mạng xã hội xôn xao với các bình luận, từ thích thú đến lên án. Sự xuất hiện trên thảm đỏ của Taylor-Joy một lần nữa làm sống dậy cuộc tranh luận liệu Dune có đang chiếm đoạt văn hóa và thể hiện những miêu tả chứa đầy thành kiến ​​mang tính hệ thống của các nhà làm phim Hollywood.

"'Dune' là một câu chuyện về người Arab, nhưng không hề được viết cho người xem Arab. Tôn giáo hư cấu hình thành nên nền tảng của phần lớn vũ trụ 'Dune' dựa trên các học thuyết Hồi giáo, nhưng bộ phim chuyển thể chỉ khái quát hóa những ảnh hưởng văn hóa đó và biến nó thành phông nền trang trí cho thể loại khoa học viễn tưởng", tác giả Serena Irani viết trên The Michigan Daily.

Đông phương luận

Đông phương luận (Orientalism) được giáo sư Edward Said đề cập trong cuốn sách cùng tên là thuật ngữ mang tính tiêu cực, là sự miêu tả của phương Tây về các nền văn hóa phương Đông theo hướng kỳ lạ và bí ẩn, từ đó kéo dài những khuôn mẫu, định kiến có hại.

Một số người đã chỉ trích cuốn tiểu thuyết gốc Dune được xuất bản năm 1965 của Frank Herbert là một hình thức của đông phương luận. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc tác phẩm dựa trên hình ảnh Trung Đông và Hồi giáo, bối cảnh sa mạc, các ngôn ngữ giả Arab không nhất thiết chỉ ra khuynh hướng orientalism.

Vấn đề thực sự là việc đạo diễn Denis Villeneuve quyết định không chọn bất kỳ diễn viên gốc Trung Đông hoặc Bắc Phi, hay còn gọi là MENA, vào vai chính trong cả hai phần của loạt phim, cũng như không thuê biên kịch, nhà sản xuất chính nào từ khu vực này. Sự thiếu đại diện đã được mổ xẻ trong một tập của podcast The Lede của New Lines, có tựa đề Orientalism, Salafism and Sci-Fi in the World of Dune.

Phim ''Dune'' đang chiếm đoạt văn hóa? - ảnh 2

Trang phục, ngôn ngữ của người Fremen trong "Dune 2" trở thành chủ đề bàn luận.

Khi nhân vật Paul Atreides (do diễn viên Timothée Chalamet thủ vai) lần đầu tiên đặt chân lên hành tinh sa mạc Arrakis trong Dune, con trai của Công tước Leto Atreides ngay lập tức gây chú ý. Những người Fremen, cư dân gốc của Arrakis, đội khăn trùm đầu, che mặt và hét lên bằng một thứ tiếng gần giống với tiếng Arab. Họ thì thầm, xôn xao về "người được chọn" da trắng, nhà lãnh đạo tương lai của hành tinh.

Serena Rasoul, Giám đốc casting và người sáng lập Muslim American Casting, cho biết Dune sử dụng hình ảnh Hồi giáo rõ ràng và các yếu tố văn hóa. "Dù không chọn các diễn viên MENA hoặc Hồi giáo, bạn vẫn thu lợi từ văn hóa của họ. Đó là sự phủ nhận, là điều khiến chúng tôi đau đầu với tư cách là những người sáng tạo".

Nhân vật "vị cứu tinh da trắng" của Chalamet cũng khiến Rasoul bận tâm. Cô đã đọc tiểu thuyết Dune cũng như tìm hiểu nguồn cảm hứng của tác giả Herbert đằng sau nhân vật Paul.

"Paul là một người đàn ông phương Tây, nhưng ở phương Tây cũng có sự đa dạng. Mô tả 'phương Tây' của Herbert không nhất thiết phải được hiểu là 'da trắng' như trên màn ảnh".

Hình ảnh khăn trùm đầu

Chiếm đoạt văn hóa (cultural appropriation) là khái niệm được bắt đầu sử dụng vào những năm 1980 để thảo luận mối quan hệ giữa nhóm đa số và thiểu số. Chiếm đoạt văn hóa diễn ra khi các thành viên của một nhóm đa số hoặc có lợi thế hơn áp dụng các yếu tố văn hóa của một nhóm thiểu số theo cách bóc lột, thiếu tôn trọng hoặc rập khuôn.

Chiếm đoạt (appropriating) khác với tôn vinh, hấp thụ một nền văn hóa (appreciating a culture). Hành vi chiếm đoạt được thể hiện ở việc thu lợi về mặt tài chính hoặc xã hội từ các yếu tố văn hóa, đơn giản hóa quá mức nền văn hóa của một nhóm thiểu số hoặc coi văn hóa của một nhóm thiểu số như một trò đùa, tách rời yếu tố văn hóa của nhóm thiểu số khỏi ý nghĩa ban đầu của nó.

Ngoài ra, nếu một thành viên của nhóm đa số tiếp nhận một yếu tố của văn hóa thiểu số mà không gây hậu quả gì trong khi các thành viên của nhóm thiểu số phải đối mặt với phản ứng dữ dội vì cùng một yếu tố văn hóa đó cũng là chiếm đoạt văn hóa.

Việc chiếm đoạt khăn trùm đầu không phải là chủ đề tranh luận mới. Các hãng thời trang xa xỉ như Gucci đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội vì "chiếm đoạt khăn trùm đầu", nhưng hiếm khi đưa người mẫu thực sự sử dụng khăn trùm đầu vào các chiến dịch hoặc lên sàn diễn.

Các thương hiệu cũng không thừa nhận bất kỳ nguồn gốc hoặc tài liệu tham khảo Hồi giáo nào có thể có trong các thiết kế của mình, ngay cả trong những trường hợp có sự giống nhau đáng kinh ngạc.

Tương tự với Dune, Hollywood vui mừng chào mừng hình ảnh Hồi giáo thông qua sự xuất hiện của Taylor-Joy trên thảm đỏ, miễn là nó không thực sự được đưa vào phim. Dior, một trong những hãng thời trang nổi tiếng nhất của Pháp, đã hào hứng thiết kế bộ váy mô phỏng trang phục Hồi giáo cho Taylor-Joy, trong khi những phụ nữ Hồi giáo thực thụ ở Pháp lại bị phạt vì mặc trang phục tương tự.

Phim ''Dune'' đang chiếm đoạt văn hóa? - ảnh 3

Hình ảnh khăn trùm đầu, che mặt liên tục xuất hiện trong "Dune".

Cũng giống như cụm từ phổ biến "driving while Black" mô tả một cách mỉa mai những thách thức mà người da đen phải đối mặt trong cuộc sống hàng ngày, "flying while Muslim" - cụm từ xuất hiện trong làn sóng phân biệt chủng tộc chống người Hồi giáo sau sự kiện 11/9 - cũng đưa ra một loạt thách thức tương tự đối với cộng đồng người Hồi giáo. Khăn trùm đầu và trang phục Hồi giáo nói chung đã bị sử dụng như một cách ẩn dụ cho chủ nghĩa cực đoan.

Năm 2021, nam diễn viên Anh Riz Ahmed, người Hồi giáo đầu tiên được đề cử nam diễn viên chính xuất sắc tại lễ trao giải Oscar, đã thành lập một quỹ mang tên Blueprint for Muslim Inclusion để giúp chống lại "những vai diễn độc hại" về người Hồi giáo trên màn ảnh.

Rasoul nói thêm rằng nỗi ám ảnh Hồi giáo tiềm ẩn ở Hollywood khiến các diễn viên Hồi giáo bị đóng khung trong những vai diễn, hình tượng cụ thể.

Với tư cách là giám đốc casting làm việc với đội ngũ chủ yếu là người Hồi giáo, Rasoul nói rằng cơ hội rất hạn chế. Các vai “khủng bố”, đang dần bị loại bỏ ở Hollywood, đã thống trị trong một thời gian dài. Nó đang nhường chỗ cho những trò lố mới - chẳng hạn như "người phụ nữ Hồi giáo nổi loạn cởi bỏ khăn trùm đầu". Sau đó là những vai đau thương thường được đặt ra trong các cuộc chiến tranh.

Hầu như không có phương tiện truyền thông nào đưa người Hồi giáo vào vai chính chỉ đơn giản là sống cuộc đời của họ. "Đó chỉ là sự phủ nhận rộng rãi đối với sự tồn tại của chúng tôi", cô nói.

Sách chữa lành tại Việt Nam

Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.