Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Thi vào lớp 10, Hà Nội sẽ làm gì để giảm áp lực cho học sinh?

Giáo dục 15/04/2024 - 12:47

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó Giám đốc Sở GD&ÐT Hà Nội, cho biết, một số quận có tốc độ đô thị hóa nhanh dẫn đến việc thừa thiếu trường học cục bộ, gây áp lực cho các trường công lập.

Hằng năm, vấn đề thiếu trường lớp cục bộ ở Hà Nội luôn là vấn đề “nóng”. Thực trạng trường lớp năm học tới cũng như kế hoạch, định hướng giai đoạn 2025-2030 ra sao, liệu có đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, thưa ông?

Hiện nay, quy mô mạng lưới trường lớp trên địa bàn thành phố ngày càng phát triển và mở rộng. Năm học 2023-2024, toàn thành phố có 2.874 trường mầm non, phổ thông; 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và 1 Trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục Hà Nội, với tổng số 66.138 lớp, hơn 2,2 triệu học sinh, 124.493 giáo viên (tăng 34 trường so với cùng kỳ năm trước).

Toàn thành phố hiện có 2.257 trường công lập; trong đó, mầm non có 806 trường, tiểu học có 718 trường, THCS có 611 trường, THPT có 128 trường. Tính bình quân 44,4 học sinh/lớp, tăng 8.994 học sinh so với cùng kỳ năm học trước.

Thi vào lớp 10, Hà Nội sẽ làm gì để giảm áp lực cho học sinh? - ảnh 1 Ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó Giám đốc Sở GD&ÐT Hà Nội

Đến nay, mạng lưới trường học trên địa bàn thành phố cơ bản đã đáp ứng được mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất 1 trường mầm non công lập, 1 trường tiểu học công lập và 1 trường THCS công lập, tương đương từ 3-5 vạn dân có 1 trường THPT công lập đảm bảo chỗ học cho con em nhân dân trên địa bàn. Tuy nhiên, tại một số quận có tốc độ đô thị hóa nhanh dẫn đến việc thừa thiếu trường học cục bộ, gây áp lực cho hệ thống các trường công lập trên địa bàn, trong đó có các trường THPT công lập.

UBND thành phố đã quyết định phê duyệt tiêu chuẩn cơ sở vật chất bổ sung đầu tư xây dựng 7 trường phổ thông có nhiều cấp học tiên tiến, hiện đại, chất lượng cao, đồng thời, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng, thành lập mới, sửa chữa cải tạo các trường THPT công lập giai đoạn 2021-2025.

Đối với tuyển sinh đầu cấp, nhất là tuyển sinh lớp 10 năm nay có số lượng thí sinh lớn đăng ký dự thi. Lãnh đạo Sở GD&ĐT lưu ý các em điều gì?

Thi vào lớp 10, Hà Nội sẽ làm gì để giảm áp lực cho học sinh? - ảnh 2 Phụ huynh vạ vật chờ nộp hồ sơ vào lớp 10 một trường THPT tại Hà Nội năm học 2023-2024

Khi đăng ký nguyện vọng vào lớp 10 THPT công lập không chuyên cũng như đăng ký dự thi, xác nhận nhập học, thí sinh cần lưu ý những điểm sau:

Sau khi đăng ký nguyện vọng (NV) vào các trường THPT công lập, học sinh không được thay đổi NV dự tuyển. Nếu học sinh chỉ đăng ký 2 NV vào hai trường THPT công lập, phải đăng ký NV1 thuộc khu vực tuyển sinh (KVTS) theo quy định, NV2 thuộc KVTS bất kỳ.

Nếu học sinh chỉ đăng ký duy nhất 1 NV vào một trường THPT công lập, có thể đăng ký vào trường THPT thuộc KVTS bất kỳ. Việc xác nhận nhập học là thủ tục bắt buộc đối với tất cả các học sinh có NV được tiếp tục học ở bậc học cao hơn.

Đối với trường THPT công lập, học sinh có thể lựa chọn hình thức xác nhận nhập học trực tuyến hoặc trực tiếp. Đối với trường THPT công lập tự chủ tài chính, THPT tư thục, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, học sinh trúng tuyển xác nhận nhập học và nộp hồ sơ nhập học chậm nhất ngày 22/7/2024.

Những năm trước, có học sinh học tốt nhưng vẫn có thể trượt tất cả các NV. Liệu trong những năm tới, Hà Nội có nên tính đến cách làm khác là cho học sinh thi trước và đăng ký xét tuyển sau để giảm áp lực cho các em?

Nguyên tắc xét tuyển hiện nay tạo điều kiện thuận lợi cho các em học sinh có thêm cơ hội trúng tuyển vào các trường THPT công lập. Căn cứ vào khả năng học tập của bản thân, điều kiện của học sinh và gia đình, NV học tập tại trường THPT, học sinh cần cân nhắc để lựa chọn trường phù hợp để đăng ký NV dự tuyển. Những năm học qua, phương án thi và tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập của Hà Nội ổn định đã nhận được sự đồng tình của đông đảo cha mẹ học sinh, học sinh và các nhà trường.

Việc có học sinh dù học tốt nhưng chọn không khéo vẫn có thể trượt tất cả các NV là do học sinh chưa nghiên cứu kỹ về phương án xét tuyển, trường THPT mình muốn theo học (điều kiện cơ sở vật chất, điểm chuẩn…), khả năng học tập của bản thân… Trong những năm tới, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ nghiên cứu trên cơ sở kế thừa phương án xét tuyển như hiện nay và tiếp tục điều chỉnh, bổ sung.

Năm học này cũng là năm học cuối cùng học sinh lớp 9 thi theo chương trình cũ. Phụ huynh mong muốn ngành có kế hoạch sớm cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm tới để yên tâm, có lộ trình cho con học và ôn tập. Xin ông cho biết về việc chuẩn bị phương án thi năm tới?

Trong thời gian tới, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ nghiên cứu, tham mưu UBND thành phố về phương án tuyển sinh vào lớp 10 THPT để phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Sở cũng sẽ xây dựng cấu trúc đề thi và ma trận đề thi của từng môn thi và sớm công bố để học sinh, cha mẹ học sinh biết và các nhà trường xây dựng kế hoạch năm học tổng thể, thực hiện nhiệm vụ học tập, ôn luyện, kiểm tra đánh giá và triển khai các hoạt động giáo dục.

Cảm ơn ông.