Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

''Thiền'' của Osho hay câu chuyện không thể lý giải bằng lời

Chuyện lạ 16/04/2024 - 07:58

Cuốn sách "Thiền" của Osho đã đưa ra một cái nhìn sâu sắc về thiền định, một con đường mà không phải lúc nào cũng dễ dàng để lý giải bằng lời nói.

Để đọc và thấu cảm được cuốn sách Thiền của Osho không chỉ là một công việc của trí óc, mà còn là một hành trình của tâm linh, về những điều không dễ dàng có thể lý giải bằng lời nói. Tác giả đã trình bày một cách tinh tế về lịch sử hình thành và phát triển của thiền, từ Ấn Độ, qua Trung Quốc, và cuối cùng đến Nhật Bản - nơi thiền đạt đến độ nở hoa.

Cuốn sách mở đầu bằng câu chuyện Niêm Hoa Vi Tiếu (Thế tôn niêm hoa, Ca Diếp vi tiếu), nguồn khởi duyên to lớn và thù thắng cho việc ngài Ma Ha Ca Diếp nhận được Tâm ấn của Đức Phật Thích Ca, trở thành Sơ Tổ Thiền Tông Ấn Độ. Ông đã mô tả thiền không chỉ như một phương pháp tu tập, mà còn như một hiện tượng tâm linh, một quá trình hướng nội sâu sắc, nơi mà con người có thể tìm thấy sự thanh thản và giải thoát hoàn toàn khỏi những ràng buộc của thế tục.

''Thiền'' của Osho hay câu chuyện không thể lý giải bằng lời - ảnh 1

“Thiền có cùng nghĩa với dhyan. Dhyan là toàn bộ nỗ lực của ý thức Ấn Độ, và có nghĩa là đơn độc, ở sâu bên trong bản thể đến mức thậm chí không có một ý nghĩ nào tồn tại”. Thiền không chỉ là sự hiểu biết lý thuyết. Thiền là thực hành, là sự chứng nghiệm trong từng hơi thở, từng bước đi, từng khoảnh khắc sống động của hiện tại. Thiền không phải là một đối tượng để phân tích, mà là một trạng thái để trải nghiệm.

Trong thiền, con người không tìm kiếm sự thông thái bên ngoài, mà là sự tỉnh thức từ bên trong. Chúng ta không theo đuổi tri thức, mà là sự hiểu biết sâu sắc về bản chất thực sự của mọi hiện tượng. Điều này phản ánh một phần quan trọng của lý thuyết thiền, đó là sự tự lực và khám phá nội tâm để đạt đến sự giác ngộ.

Osho không đi theo lối mòn của những cuốn sách thiền đã có. Thay vì tập trung vào kỹ thuật hay giáo lý, ông hướng người đọc đến bản chất của thiền là sự đơn độc sâu bên trong bản thể đến mức thậm chí không có một ý nghĩ nào tồn tại. Thiền có cùng nghĩa với dhyan, “dhyan nghĩa là đơn độc đến mức không có gì để hành thiền… Không đối tượng, chỉ một mình chủ thể tồn tại - ý thức không gợn một bóng mây, một bầu trời thanh khiết”.

Bởi vậy, thiền không thể trao qua giao tiếp bằng lời. Và thông qua chính cuốn sách này Osho cũng thể hiện sự bất lực của ông khi nói về… thiền. Con người dễ dàng nói những điều "có" nhưng lại chẳng thể diễn đạt được “tính không”.

Osho lựa chọn lối hành văn dẫn dắt vô cùng lôi cuốn để mô tả chủ đề khó diễn đạt thấu suốt và toàn bích này. Bằng biệt tài kể chuyện, thông qua những câu chuyện ngụ ngôn, những giai thoại và ví dụ thực tế, tác giả minh họa cho các quan điểm, luận giải của ông về thiền một cách độc đáo nhưng cũng gây nhiều tranh cãi, chứng tỏ Thiền luôn là một chủ đề được nhìn nhận dưới những chiều khác biệt, kể cả đối lập vượt qua khỏi ngôn từ.