Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Từ ca viêm màng não phế cầu nguy kịch, cảnh báo vi khuẩn gây hàng loạt bệnh nguy hiểm hay gặp ở trẻ

Sức khoẻ 09/03/2024 - 11:44

Ngoài viêm màng não, phế cầu khuẩn còn là tác nhân gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm khác ở trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ như viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm xoang, viêm tai giữa… Vi khuẩn phế cầu trú ở vùng mũi họng của trẻ mắc bệnh lẫn trẻ khỏe mạnh, chực chờ xâm lấn vào các cơ quan gây bệnh khi sức đề kháng của trẻ bị giảm. Ba mẹ nên chú ý phòng ngừa cho con.

Vừa qua, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP HCM) tiếp nhận một bé trai 13 tuổi trong tình trạng nguy kịch, đau đầu, nôn ói, rối loạn tri giác. Kết quả chọc dò thắt lưng lấy dịch não tủy cho thấy bé bị viêm màng não nặng do vi khuẩn phế cầu. Sau thời gian điều trị tích cực, truyền kháng sinh liều cao và nhiều chế phẩm thuốc, bệnh nhi mới qua khỏi.  

Viêm màng não phế cầu có thể gây tử vong lên đến hơn 50%

Viêm màng não là tình trạng nhiễm trùng lớp màng mỏng bao bọc xung quanh não và dịch não tủy. Có nhiều tác nhân gây viêm màng não như phế cầu, não mô cầu, ecoli, Hib…, trong đó phế cầu khuẩn thường gặp nhất.

Nghiên cứu của Bệnh viện Nhi Trung ương từ năm 2015-2021 trên nhóm bệnh nhi dưới 5 tuổi mắc viêm màng não do phế cầu cho thấy, viêm màng não tập trung gây bệnh nặng và di chứng sau bệnh kéo dài nhất ở nhóm dưới 1 tuổi (71,9%), phân bố rải rác ở trẻ từ 2-5 tuổi. Bệnh xảy ra quanh năm và gia tăng vào các tháng đầu năm hoặc cuối năm. Tại Việt Nam, thống kê giai đoạn 1999-2003, cứ 100.000 trẻ thì sẽ có 37 trẻ dưới 2 tuổi mắc viêm màng não do phế cầu.

Từ ca viêm màng não phế cầu nguy kịch, cảnh báo vi khuẩn gây hàng loạt bệnh nguy hiểm hay gặp ở trẻ - ảnh 1

Viêm màng não xuất hiện quanh năm và hay xảy ra ở trẻ em. Ảnh: Mypositiveparenting

Bác sĩ Võ Thị Minh Tuyền, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết: "Viêm màng não phế cầu có các triệu chứng ban đầu như trẻ khóc đêm thường xuyên, bỏ bú kéo dài, sốt cao, tiêu chảy, nôn ói… nên dễ nhầm lẫn với các bệnh về tiêu hóa. Bệnh có thể gây tử vong lên đến trên 50% nếu không được điều trị kịp thời. Khoảng 30-50% trẻ qua khỏi phải đối mặt với các di chứng nặng nề suốt đời như mù, điếc, liệt, động kinh, chậm phát triển trí tuệ, trí nhớ kém…".

Bác sĩ Tuyền lưu ý phế cầu còn có tình trạng đề kháng kháng sinh rất cao gây khó khăn điều trị, số thuốc sử dụng bị hạn chế. Nghiên cứu trên 124 bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP HCM cho thấy phế cầu đa kháng thuốc tăng từ hơn 70% vào năm 2008-2009 lên đến hơn 94% vào năm 2018-2021.

Phế cầu là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính năm 2017, toàn cầu có khoảng 600.000 trẻ dưới 5 tuổi tử vong vì các bệnh do phế cầu khuẩn, chiếm 10% số ca tử vong ở độ tuổi này. Tỷ lệ mắc bệnh cao tập trung các nước đang phát triển.

Ngoài viêm màng não, phế cầu khuẩn còn là tác nhân gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm khác ở trẻ em viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm xoang, viêm tai giữa…

WHO ghi nhận năm 2015, toàn cầu có khoảng 8,9 triệu ca bệnh viêm phổi do phế cầu, trong đó có 257.000 trường hợp tử vong là trẻ em dưới 5 tuổi. Người già và trẻ nhỏ bị viêm phổi do phế cầu có tỷ lệ tử vong lên tới 50%.

Phế cầu là nguyên nhân của 40-50% trường hợp viêm tai giữa. Trong đó, trẻ dưới 1 tuổi rất dễ bị nhiễm trùng lặp đi lặp lại. Nếu không điều trị kịp thời, viêm tai giữa cấp có thể dẫn đến biến chứng thủng màng nhĩ, giảm thính lực, viêm xương chũm, viêm màng não, áp xe não…

Phế cầu cũng có thể dẫn đến viêm xoang và gây các biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng ổ mắt, viêm tắc tĩnh mạch xoang hang, áp xe não, viêm màng não.

Từ ca viêm màng não phế cầu nguy kịch, cảnh báo vi khuẩn gây hàng loạt bệnh nguy hiểm hay gặp ở trẻ - ảnh 2

Thực hiện chọc dò dịch não tủy để phân tích tác nhân gây bệnh viêm màng não. Ảnh: Shutterstock

BS Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cảnh báo phế cầu khuẩn luôn có sẵn trong vùng hầu họng của hầu hết mọi người và lây qua đường hô hấp thông qua các giọt bắn khi ho, hắt hơi, nói chuyện. Thống kê của CDC Mỹ cho thấy phế cầu trú tại vùng mũi, họng của 5-90% dân số khỏe mạnh gây ra khoảng 2.000 ca viêm màng não mỗi năm ở nước này. Vi khuẩn thông thường không gây bệnh nhưng khi sức đề kháng suy giảm hoặc niêm mạc bị tổn thương do mắc cúm, adenovirus, Covid-19…, vi khuẩn sẽ nhân lên và xâm lấn các cơ quan gây bệnh.

Tại Việt Nam, nghiên cứu trên 883 trẻ em ở Nha Trang (Khánh Hòa) công bố năm 2019 trên tạp chí bệnh truyền nhiễm BMC cho thấy phế cầu trú ở vùng họng ở 28,7% trẻ khỏe mạnh và 36,6% trẻ nhập viện.

Từ ca viêm màng não phế cầu nguy kịch, cảnh báo vi khuẩn gây hàng loạt bệnh nguy hiểm hay gặp ở trẻ - ảnh 3

Trẻ nhỏ có hệ miễn dịch suy yếu dễ bị các tác nhân như phế cầu tấn công gây bệnh nghiêm trọng. Ảnh: Freepik

BS Bạch Thị Chính khuyến cáo vắc-xin được xem là biện pháp phòng ngừa chủ động các bệnh do phế cầu khuẩn gây ra. Vắc-xin có hiệu quả lên đến 97%, đồng thời giảm tỷ lệ người khỏe mạnh mang vi khuẩn và lây lan cho người khác. Theo thống kê của WHO năm 2015, vắc-xin phòng phế cầu khuẩn đã phòng ngừa khoảng 7,5 triệu trường hợp khỏi nhiễm phế cầu khuẩn, và cứu sống khoảng 290.000 trẻ dưới 5 tuổi trên toàn cầu. 

Hiện Việt Nam có vắc-xin Synflorix (Bỉ) ngừa 10 chủng phế cầu tiêm cho trẻ từ 6 tuần tuổi đến 5 tuổi và vắc-xin Prevenar 13 (Bỉ) ngừa 13 chủng phế cầu, tiêm cho trẻ em từ 6 tuần tuổi và người lớn. Người từ 2 tuổi chỉ cần tiêm 1 mũi vắc-xin phế cầu Prevenar 13. 

Từ ca viêm màng não phế cầu nguy kịch, cảnh báo vi khuẩn gây hàng loạt bệnh nguy hiểm hay gặp ở trẻ - ảnh 4

Trẻ tiêm vắc-xin phòng phế cầu tại VNVC. Ảnh: Linh Hải

Ngoài ra, các tác nhân gây viêm màng não khác như não mô cầu khuẩn, Hib cũng đã có vắc-xin phòng ngừa. Trong đó, vắc-xin phòng não mô cầu nhóm B thế hệ mới Bexsero (Ý) tiêm từ 2 tháng tuổi đến 50 tuổi; vắc-xin phòng não mô cầu nhóm BC (Cuba) tiêm từ 6 tháng đến 45 tuổi; vắc-xin phòng viêm màng não do não mô cầu nhóm ACYW (Menactra – Mỹ) tiêm từ 9 tháng đến 55 tuổi. Vắc-xin ngừa Hib (Quimi-Hib – Cuba) tiêm cho trẻ từ 2 tháng tuổi đến 15 tuổi, người từ 12 tháng tuổi trở lên chỉ cần tiêm một mũi; vắc-xin ngừa Hib dạng phối hợp như 5 trong 1, 6 trong 1 tiêm cho trẻ từ 2 tháng tuổi.