Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Cách biến tấu thức ăn thừa sau Tết thành món lạ vị

Du lịch 26/01/2023 - 13:34

Tết Nguyên đán Quý Mão: Mâm cỗ Tết truyền thống với thịt gà luộc, bánh chưng, giò chả... khiến nhiều người "quen đến ngán". Bạn có thể tận dụng chế biến món mới từ những nguyên liệu có sẵn này.

Để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, hầu hết gia đình thường mua nhiều thực phẩm để dự trữ. Bánh chưng, gà luộc, giò chả, trái cây... là loạt thực phẩm phổ biến, dư nhiều nhất sau mỗi dịp Tết.

Các món ăn thừa thay vì nấu lại sẽ dẫn đến sự chán ăn của các thành viên trong gia đình. Dưới đây là một số cách giúp xử lý gọn đồ ăn thừa trong tủ lạnh, đồng thời mang đến hương vị mới, thơm ngon, giải ngán.

Bánh chưng

Bánh chưng nên được bảo quản lạnh. Nếu đã ngán với những chiếc bánh chưng truyền thống, bạn có thể cắt bánh thành miếng nhỏ, chiên vàng giòn và thưởng thức kèm dưa chua, củ kiệu. Muốn bánh đậm đà hơn, sau khi chiên bạn có thể rim cùng mắm.

Cách biến tấu thức ăn thừa sau Tết thành món lạ vị - ảnh 1

Bánh chưng rán có lớp vỏ ngoài giòn tan. Ảnh: Linhchimm.

Sau Tết Quý Mão, nhiều nơi trên cả nước vẫn có những đợt không khí lạnh. Cháo bánh chưng là một gợi ý lý tưởng để bạn trổ tài chiêu đãi người thân giữa thời tiết này.

Bạn chỉ cần cắt bánh chưng thành lát nhỏ rồi cho vào nồi nước (hoặc nước luộc gà), vừa đun sôi vừa dầm nhuyễn, đun nhỏ lửa tới khi sánh sệt rồi nêm cho vừa khẩu vị. Thành phẩm món ăn sẽ càng hấp dẫn khi có thêm thịt gà xé, một ít hành lá, rau mùi thái nhỏ, tiêu, bột ớt, hành phi thơm...

Cách biến tấu thức ăn thừa sau Tết thành món lạ vị - ảnh 2

Món cháo bánh chưng vừa giải ngấy, vừa giúp xử lý nhanh gọn đồ ăn thừa trong tủ lạnh. Ảnh: Ngọc Anh.

Kimbap bánh chưng với phần nhân phiên bản ''vét tủ lạnh'' cũng góp phần mang đến hương vị giòn dẻo, lạ miệng. Để thực hiện món ăn, bạn cần cắt mỏng bánh chưng, dầm nhuyễn rồi rán bằng nước. Khi bánh chưng se mặt thì tắt bếp, không nên rán vàng giòn sẽ khó cuộn.

Đặt tấm rong biển lên mặt phẳng, dàn đều bánh chưng tạo độ kết dính rồi đặt các nhân có sẵn hoặc còn tồn đọng sau Tết như giò, xúc xích thái sợi dài, rau củ, trứng rán... vào và cuộn lại thật chặt tay. Dùng dao sắc nhúng nước nóng hoặc thoa chút dầu ăn rồi cắt kimbap thành các miếng vừa ăn. Thưởng thức chấm cùng sốt mayonnaise pha lẫn tương ớt, tương cà tùy khẩu vị.

Cách biến tấu thức ăn thừa sau Tết thành món lạ vị - ảnh 3

Phiên bản bánh chưng giòn dẻo, lạ miệng được biến tấu dựa trên món kimbap Hàn Quốc. Ảnh: Pham Huyen/Cookpad.

Gà luộc

Thịt gà nên được bảo quản sạch sẽ trong tủ lạnh, bọc màng thực phẩm cẩn thận. Những miếng gà để lâu thường khô, khi chế biến lại bạn có thể chiên qua sau đó đảo với mắm pha tỏi, ớt, đường để món ăn hấp dẫn hơn.

Ngoài cách chiên mắm tỏi, bạn có thể tẩm bột chiên, chế biến những miếng gà giòn thơm bắt mắt. Gà tẩm ngũ vị hương, nướng trong lò cũng là gợi ý cho cách chế biến thịt gà còn sau Tết.

Cách biến tấu thức ăn thừa sau Tết thành món lạ vị - ảnh 4

Cánh gà chiên nước mắm là một trong những món đưa cơm. Ảnh: Minh San.

Sau những ngày Tết ăn uống thừa chất, bạn tận dụng phần xương và thịt trắng nấu súp hoặc cháo đổi vị cho cả nhà.

Với gà luộc còn dư, bạn còn có cơ hội làm nộm gà xé phay chua ngọt để chống ngấy. Nguyên liệu trộn cho món này khá đơn giản, gồm hành tây (có thể thay thế bằng bắp cải, rau càng cua, bắp chuối, cà rốt…), rau mùi và các loại gia vị tỏi, ớt, tiêu, đường, nước mắm, chanh (hay giấm).

Cách biến tấu thức ăn thừa sau Tết thành món lạ vị - ảnh 5

Gỏi hành tây thịt gà đổi vị cho cả nhà sau ngày Tết. Ảnh: Trân Thái.

Một công thức khác được nhiều chị em nội trợ áp dụng xử lý thịt gà là làm món khô gà lá chanh. Bạn xé nhỏ thịt gà thành sợi vừa ăn, ướp với nước mắm, đường, bột ớt trong 30 phút cho thấm. Cho gà đã ướp lên chảo chống dính, thêm lá chanh, ớt, nước cốt gà, nêm nếm gia vị cho vừa ăn, đảo đến khi thịt săn lại. Cuối cùng, sấy gà trong nồi chiên không dầu ít nhất 60 phút.

Giò chả

Giò chả là một món được ưa chuộng trong ngày Tết của cả 3 miền. Với phần giò chả còn thừa, bạn hãy tận dụng thái sợi, kết hợp thịt gà xé nhỏ để cho vào các món bún, miến, phở dùng trong bữa sáng.

Cách biến tấu thức ăn thừa sau Tết thành món lạ vị - ảnh 6

Giò chả có thể kết hợp trong nhiều món sợi nóng hổi. Ảnh: Huongbui Cooking.

Món bánh mì kẹp giò chả và các loại rau củ, hay ăn kèm bánh cuốn, bánh ướt... cũng là gợi ý ẩm thực đáng thử.

Ngoài ra, bạn có thể cắt giò chả thành hạt lựu làm nguyên liệu cho món cơm chiên dương châu. Một cách tận dụng giò chả khác là thái giò thành các miếng mỏng, chiên qua trong dầu ăn, sau đó rim mắm hoặc sốt cà chua. Món này thích hợp ăn với cơm nóng.

Cách biến tấu thức ăn thừa sau Tết thành món lạ vị - ảnh 7

Để tránh giò bị hỏng, bạn nên cắt thành miếng nhỏ, chiên qua trong dầu ăn. Ảnh: Nauzi.

Trái cây

Nhiều loại hoa quả ngày Tết nếu chưa kịp ăn hết có thể được làm sinh tố, thạch rau câu ăn lạnh hoặc dùng với trà sữa, trộn sữa chua... Các cách này giúp bạn có những món tráng miệng vừa thơm ngon, bổ dưỡng; lại cân bằng vị giác.

Cách biến tấu thức ăn thừa sau Tết thành món lạ vị - ảnh 8

Hoa quả có thể làm nhiều món tráng miệng giải nhiệt, cân bằng hệ tiêu hóa. Ảnh: おにぎり/Unsplash.

Ngày Tết, nhiều gia đình cũng thường chọn chuối xanh để bày biện được lâu. Tuy nhiên, sau Tết lại thừa nhiều. Bạn có thể đem phần chuối xanh nấu món ốc om chuối đậu. Với phần chuối đã chín, người đam mê nấu nướng làm bánh tráng chuối, chuối hấp, kem chuối hay sinh tố đều ngon.

Tết là dịp sum vầy, đoàn viên bên mâm cỗ. Zing giới thiệu tới bạn đọc những món ngon, truyền thống ẩm thực hay ngày Tết.

> Xem thêm: Tủ sách ẩm thực Tết