Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Dự kiến khắc phục sự cố hầm Bãi Gió, thông tàu Bắc - Nam vào ngày 22/4

Phái đẹp 16/04/2024 - 17:48

Sau khi lực lượng chức năng lắp hết các khung chống vào vị trí sạt lở hầm Bãi Gió, tiến hành phun vữa, làm bê tông vỏ hầm, dự kiến đến ngày 22/4 công việc khắc phục sẽ hoàn thành.

Sáng 16/4, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy chủ trì cuộc họp trực tuyến với tổ công tác hiện trường, các cơ quan, đơn vị, hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa bàn phương án khắc phục nhanh nhất, đảm bảo an toàn tuyệt đối sau sự cố sụt hầm Bãi Gió.

Dự kiến khắc phục sự cố hầm Bãi Gió, thông tàu Bắc - Nam vào ngày 22/4 - ảnh 1

Công nhân thi công bên trong hầm nơi đang bị sạt lở, khiến đường sắt Bắc-Nam bị gián đoạn. Ảnh: Phong Điền.

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện các đơn vị thuộc tổ công tác hiện trường đang xử lý trực tiếp cho biết, hầm Bãi Gió (hầm số 23) đang được thi công kiên cố hóa.

Ngày 12/4, trong khi đang tiến hành phá dỡ bê tông vỏ hầm cũ hầm Bãi Gió đã xảy ra sụt lở địa tầng yếu trên vòm hầm, khối lượng đất đá rơi xuống khoảng 150m3 làm gián đoạn chạy tàu đường sắt; không có thiệt hại về người và thiết bị thi công.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, chủ đầu tư, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công ngay lập tức phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các đơn vị liên quan tiến hành phong tỏa khu gian Hảo Sơn - Đại Lãnh, phân luồng giao thông đường bộ trên hầm để triển khai các bước xử lý sụt trượt.

Đến khoảng 3h30 ngày 13/4 đã cơ bản di chuyển được hết phần đất đá bị sụt trượt để chuẩn bị đưa khung chống loại A vào vị trí sụt và phun bê tông. Tuy nhiên, do địa chất phía trên vỏ hầm rất phức tạp (đá phong hóa) nên đất đá lại tiếp tục rơi xuống, không đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tiếp tục tham gia thực hiện công việc xử lý.

Do vậy, các bên liên quan đã thực hiện nhiều giải pháp khác để đưa khung A vào vị trí sụt trượt nhưng không thể thực hiện được. Khối lượng đất phong hóa và đá tảng rơi xuống lấp kín tiết diện của hầm.

Ngày 15/4, các đơn vị liên quan đã tiến hành gia cố khối đất đã sụt trong hầm bằng phun vữa xi măng hai mặt hở, cắm các neo tạo ô để phun áp lực vữa xi măng cho đông kết đất đá rời rạc và tạo xương cứng.

Đồng thời, phía trên đỉnh núi, tại vị trí sụt hầm tiến hành khoan thăm dò địa chất, tình trạng hố sụt phía trong để tiến hành bơm vữa xi măng vào phần đất sụt cũng như lấp đầy khoảng trống đã bị sụt nhằm giữ ổn định khối đất đá trên đỉnh hầm, không cho sụt tiếp.

“Sau khi cơ bản đã ổn định, trong ngày 16/4, sẽ tiến hành chuẩn bị thiết bị khoan neo, máy phun vữa áp lực cao, trạm trộn, neo... để tiến hành khoan cắm neo dẫn trước vào vị trí miệng hố sụt và bơm vữa áp lực cao để tạo sự kết dính ổn định. Sau đó tiến hành đào hót dần khối đất đá sụt trong hầm, đào đến đâu tiến hành lắp khung chống đến đó để giữ.

Sau khi lắp hết các khung chống vào vị trí, tiến hành phun vữa và triển khai làm bê tông vỏ hầm như thiết kế được duyệt. Dự kiến đến ngày 22/4 hoàn thành xử lý để thông tàu Bắc – Nam”, đại diện tổ công tác hiện trường thông tin.

Được biết nhà thầu Sông Đà sẽ tập kết một dây chuyền thiết bị, máy móc thi công, vật liệu và hơn 20 cán bộ, công nhân thi công vào 16h chiều nay tại hiện trường, đến tối cùng ngày là có thể triển khai tại công địa.

Cùng đó có khoảng 80 nhân lực Công ty CP Đầu tư và xây dựng công trình 3, hơn 100 nhân lực các đơn vị đường sắt như Công ty CP Đường sắt Phú Khánh là đơn vị đang quản lý đoạn tuyến, chi nhánh khai thác đường sắt... đưa nhân lực khoảng 250 nhân lực tại công trình để tập trung xử lý, khắc phục ngày đêm 24/24h. Mục tiêu hoàn thành trước kế hoạch dự kiến.

Ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết thêm, trung bình đường sắt chuyển tải 10 đoàn tàu/ngày, tính đến tối qua (15/4) đã tổ chức chuyển tải hơn 13.000 hành khách trên 38 đoàn tàu khách từ ga Tuy Hòa (thuộc tỉnh Phú Yên) đến ga Giã (thuộc tỉnh Khánh Hòa) và ngược lại; cung cấp suất ăn, nước uống miễn phí... Tiếp tục tổ chức chạy tàu khách theo kế hoạch đã bán vé hành khách, kết hợp với việc nâng cao chất lượng tổ chức chuyển tải hành khách.

Về hàng hóa, do ảnh hưởng sự cố có 77 đoàn tàu hàng bị ách tắc. Đường sắt phải thỏa thuận với chủ hàng để chuyển tải, hiện đã chuyển tải được 16 đoàn qua khu vực bị sự cố, ưu tiên hàng tươi sống, đông lạnh và hàng chuyển phát nhanh.

"Đây là sự cố vượt ngoài khả năng, tầm kiểm soát nên thiệt hại đối với vận tải đường sắt rất lớn. Tổng công ty kiến nghị các cấp xem xét nguồn kinh phí hỗ trợ. Để giảm thiểu thiệt hại, đề nghị địa phương bố trí xe chuyển tải đảm bảo số lượng, điều kiện phục vụ hành khách; kiến nghị cấp thẩm quyền miễn phí sử dụng đường bộ cho xe chuyển tải hành khách, hàng hóa qua hầm Đèo Cả...", ông Mạnh kiến nghị.

Dự kiến khắc phục sự cố hầm Bãi Gió, thông tàu Bắc - Nam vào ngày 22/4 - ảnh 2

Lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam túc trực tại hiện trường. Ảnh: H. Năm.

Đề xuất bổ sung kinh phí gần 500 tỷ đồng xử lý 27 hầm yếu

Ông Mạnh cũng kiến nghị, sau khi khắc phục xong sự cố sụt hầm Bãi Gió, cấp có thẩm quyền xem xét bố trí vốn gia cố bước 1 đối với 12 hầm yếu trên tuyến cần phải ưu tiên xử lý với kinh phí dự kiến dưới 500 tỷ đồng. Cùng đó có phương án xử lý 27 hầm yếu trên toàn tuyến đường sắt Thống Nhất.

Kết luận tại buổi họp, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho biết, ngay sau khi xảy ra sự cố ngày 12/4, Bộ GTVT đã chỉ đạo các lực lượng tổ chức triển khai khắc phục.

Về phương án, hướng xử lý tiếp theo, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh, cần xử lý với nguyên tắc "4 tại chỗ" theo tình huống khẩn cấp. Đồng thời đảm bảo 5 yêu cầu: thông tuyến sớm nhất; huy động lực lượng nhanh nhất; giải pháp sáng tạo nhất; an toàn tuyệt đối cho cán bộ, kĩ sư, công nhân tham gia khắc phục; các đơn vị tập trung nguồn lực cao nhất thi công 24/24h theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ trưởng cũng yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chỉ đạo các đơn vị thực hiện chuyển tải hành khách, hàng hóa sao cho thuận lợi, ít ảnh hưởng nhất đến khách hàng, đảm bảo an ninh, an toàn.