Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Nhìn nhận về “cuộc lột xác thế kỷ” của Hà Nội

Kinh tế 17/04/2024 - 00:28

Hà Nội đang đứng trước “cuộc lột xác thế kỷ” với Đồ án quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Không gian sống của gần 10 triệu người dân sẽ được quyết định trong bản đồ án lịch sử này.

Nhìn nhận về “cuộc lột xác thế kỷ” của Hà Nội - ảnh 1
Đồ họa: Thanh Vũ

Bốn thành phố trực thuộc

Hà Nội là thủ đô lớn thứ 17 trên thế giới với diện tích khoảng 3.360 km2. Tuy nhiên, sự rộng lớn này vẫn không thể giúp cuộc sống của người dân Hà thành bớt phần ngột ngạt. Hình ảnh dòng xe kẹt cứng vào giờ cao điểm, bệnh nhân nằm ngoài hành lang vì thiếu giường, lớp học với hơn 50 học sinh/lớp... chính là những minh chứng chân thực về các vấn đề mà Hà Nội đang phải đối mặt.

Tìm lời giải cho vấn đề này, lãnh đạo Thành phố đã lên kế hoạch cho một cuộc “lột xác” mang tính lịch sử. Đó chính là bản đồ án quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Diện mạo và tương lai của Hà Nội trong thế kỷ 21 đang nằm trọn trong bản đồ án này.

Quy hoạch Thủ đô đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển, trong đó nổi bật là định hướng xây dựng 4 thành phố trực thuộc. Cụ thể, định hướng đến năm 2050, Thủ đô sẽ có 2 thành phố trực thuộc là thành phố khoa học và đào tạo Hòa Lạc và thành phố phía Bắc, bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần huyện Đông Anh. Ngoài ra, Hà Nội đề xuất nghiên cứu hình thành thêm 2 thành phố, gồm thành phố du lịch ở khu vực Sơn Tây - Ba Vì và thành phố sân bay phía Nam ở Phú Xuyên - Ứng Hòa.

“Khi nghe thông tin trên, tôi rất ủng hộ và kỳ vọng, đây sẽ là một chính sách giãn dân hiệu quả. Tuy nhiên, việc ‘khai sinh’ ra một thành phố mới cũng đi kèm với nhiều vấn đề liên quan đến phân cấp, phân quyền. Liệu ngân sách chi cho địa phương bao nhiêu mới là đủ? Bộ máy lãnh đạo có đủ tầm để quản trị một thành phố mới hay không? Việc xây dựng hạ tầng liệu có đồng bộ?”, ông Trần Xuân Lượng, Tiến sĩ chuyên ngành bất động sản, Đại học Kinh tế quốc dân, đặt ra nhiều câu hỏi không dễ trả lời.

Thậm chí, vị chuyên gia còn khẳng định rằng, nếu hạ tầng kỹ thuật và xã hội tại các thành phố vệ tinh không được thiết lập sớm, kế hoạch giãn dân hoàn toàn có thể bị phá sản.

Khi đề cập kế hoạch phát triển vùng đô thị, nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý, tác giả của nhiều đầu sách khảo cứu về Hà Nội, đã liên hệ với câu chuyện của bản thân ông. Khu vực Hòa Lạc đang được định hướng trở thành đô thị khoa học và đào tạo vào năm 2030. Một số trường đại học đã mở thêm cơ sở tại khu vực này, trong đó có Đại học Quốc gia Hà Nội. Đây cũng là lúc vấn đề nảy sinh.

“Khi giảng dạy trên Hòa Lạc, một số giảng viên đã phải đi xe buýt hơn 4 tiếng đồng hồ, tính cả thời gian đi và về. Nếu lãnh đạo Thành phố muốn phát triển một khu vực mới, nơi đó sẽ phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản về hạ tầng giao thông và các thiết chế văn hóa xã hội”, ông Nguyễn Trương Quý chia sẻ.

Theo vị học giả, sự “phình rộng” của Thủ đô là một thay đổi thiếu sự tôn trọng với khu vực ven đô. Trong quá khứ, nhiều nơi vốn là làng xã, xưa nay chỉ gắn với chăn nuôi, ruộng vườn. Tuy nhiên, khi được đô thị hóa, các cánh đống biến mất, nông dân bỗng chốc không có việc làm. Không ít người sa vào tệ nạn xã hội và khu vực họ sống trở thành một “khu ổ chuột” giữa lòng đô thị.

Sông Hồng xứng đáng có một vị thế cao hơn

Bản đồ án quy hoạch Thủ đô đã nhìn nhận lại vị thế của sông Hồng, sau hàng chục năm nơi đây tồn tại dưới danh nghĩa “sân sau” của Hà Nội. Trong tương lai, dòng sông đỏ nặng phù sa sẽ trở thành động lực phát triển, gắn với lịch sử, văn hóa của Thành phố. Tuy nhiên, trước thông tin trên, ông Trần Xuân Lượng cảm thấy vừa mừng, vừa lo.

Mừng là vì bản quy hoạch lần này đã tập trung khai thác tiềm năng dòng sông Hồng. Điều này không chỉ mang ý nghĩa về mặt tâm linh, văn hóa và phong thủy, mà còn góp phần phát triển hạ tầng, quỹ đất, thúc đẩy kinh tế, đặc biệt là hệ thống giao thông của khu vực.

“Đây là nguồn ‘sữa’ của ‘mẹ thiên nhiên’, đồng thời là nguồn tài nguyên vô giá của Thủ đô. Tổng quan về kinh nghiệm quy hoạch trên thế giới, những thành phố nổi tiếng đều có những dòng sông thơ mộng chảy qua. Chẳng hạn, New York (Mỹ) có sông Hudson, London (Anh) sở hữu sông Thames, Paris (Pháp) là sông Seine, Seoul (Hàn Quốc) với sông Hàn”, ông Lượng nêu ra các dẫn chứng.

Tuy nhiên, trong thâm tâm ông vẫn đau đáu nhiều niềm trăn trở, đặc biệt là khả năng thực thi của những đơn vị liên quan. Bản kế hoạch trên lý thuyết đang sở hữu nhiều điểm sáng. Dẫu vậy, việc chuyển hóa các câu chữ trên giấy tờ thành những công trình thực tế lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.

“Trong thời gian tới, 10 cây cầu nữa sẽ được xây dựng, nâng tổng số cầu bắc qua sông Hồng của Hà Nội lên 18. Tuy nhiên, tất cả đều là cầu nổi. Điều này có thể tác động tiêu cực đến hệ thống giao thông đường thủy, môi trường, cảnh quan trên sông Hồng. Vậy tại sao chúng ta lại không tính đến việc xây dựng cầu ngầm?”, ông Lượng đặt vấn đề.

Vị chuyên gia cho rằng, nguyên nhân không đến từ việc địa chất Hà Nội yếu. Vấn đề nằm ở công nghệ, người hoạch định không dám ứng dụng các công nghệ mới, vì lo ngại khả năng thẩm định. Việc thiếu hụt cầu ngầm chỉ là một ví dụ cho thấy tâm lý nhiệm kỳ, thành tích, sợ sai, sợ chịu trách nhiệm đang là rào cản khiến nhiều điểm sáng quy hoạch dù mới “chớm nở” nhưng đã đối diện với nguy cơ “lạc hậu”.

“Hà Nội là một vùng trũng với nhiều sông, hồ, ao, đầm. Đây đáng lẽ là cơ sở tốt để tạo nên một môi trường sinh thái thuận lợi nhằm phát triển các không gian xanh. Xét trên đôi bờ sông Hồng, nơi đây rất thích hợp để xây dựng các công viên, vườn hoa, khu vui chơi giải trí... Tuy nhiên, thật đáng tiếc khi sông Hồng hiện vẫn chỉ là khu vực ‘sân sau’ của thành phố”, nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý thẳng thắn nhìn nhận.