Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Sinh viên nói trường thiếu tôn trọng khi công khai người nợ học phí

Chuyện lạ 11/04/2024 - 15:01

Nhiều sinh viên cho rằng các trường công khai danh sách nợ học phí là thiếu tôn trọng người học, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ lộ lọt thông tin của sinh viên.

Sinh viên nói trường thiếu tôn trọng khi công khai người nợ học phí - ảnh 1

Sinh viên lo ngại thông tin cá nhân bị lộ, lọt qua các danh sách do nhà trường đăng tải. Ảnh: iStock.

Mới đây, một bài đăng trên mạng xã hội đã thu hút nhiều ý kiến tranh luận. Cụ thể, người đăng bài cho biết khi lên mạng tra cứu học phí một số trường đại học, anh bất ngờ khi một số trường đăng công khai danh sách những sinh viên đang nợ học phí lên mạng, bao gồm họ tên, mã số sinh viên, lớp và tiền nợ.

Người này tự hỏi tại sao nhà trường lại làm như vậy khi có nhiều cách để "đòi" học phí từ sinh viên?

Công khai trên mọi "mặt trận"

Theo khảo sát của Tri thức - Znews, việc công khai danh sách sinh viên nợ học phí không phải là chuyện hiếm gặp tại Việt Nam. Chỉ cần gõ cụm từ "danh sách sinh viên nợ học phí" lên thanh tìm kiếm của Google, chưa đến 1 giây, hơn 15.000 kết quả được trả về. Trong đó, đa phần thông tin được đăng tải trên website các trường đại học, cả công lập và tư thục.

Những danh sách này được lập bởi phòng Tài chính - Kế toán của các trường đại học, nhằm mục đích nhắc nhở sinh viên đóng học đúng hạn, đồng thời thông báo các em có thể bị hủy đăng ký môn học của học kỳ đó, cấm thi hoặc chịu mọi hình thức kỷ luật theo quy định của nhà trường.

Đáng chú ý, trong các danh sách sinh viên nợ học phí, ngoài họ tên và số tiền cần nộp, nhiều trường "đính kèm" thông tin cá nhân như ngày, tháng, năm sinh, mã số sinh viên, lớp, khóa, số tín chỉ đã học, số môn học lại, học cải thiện...

Sinh viên nói trường thiếu tôn trọng khi công khai người nợ học phí - ảnh 2 Sinh viên nói trường thiếu tôn trọng khi công khai người nợ học phí - ảnh 3 Sinh viên nói trường thiếu tôn trọng khi công khai người nợ học phí - ảnh 4 Sinh viên nói trường thiếu tôn trọng khi công khai người nợ học phí - ảnh 5

Những danh sách chứa thông tin sinh viên được đăng công khai trên mạng. Ảnh: Ngọc Bích.

Không chỉ đăng lên website của trường, nhiều trường đại học thậm chí đăng danh sách sinh viên nợ học phí lên fanpage Facebook của trường hoặc các diễn đàn học tập để nhắc nhở.

Trao đổi với Tri thức - Znews, một số sinh viên cũng cho biết ở một số trường, danh sách sinh viên nợ học phí thậm chí được gửi đến toàn bộ sinh viên trong trường thông qua email, dù số lượng sinh viên chưa đóng học chỉ là con số nhỏ.

Những danh sách này được tồn tại qua nhiều năm, nhiều kỳ học. Thậm chí, ngay cả khi sinh viên đã ra trường, thông báo nợ học phí vẫn còn đó, không hề được gỡ bỏ.

Cũng theo khảo sát của Tri thức - Znews, không chỉ công khai danh sách sinh viên nợ học phí, những danh sách "ít nhạy cảm hơn" như bảng điểm sinh viên, kết quả xét cấp học bổng, danh sách sinh viên đủ điều kiện tốt nghiệp, danh sách sinh viên đăng ký đồ án tốt nghiệp... cũng nghiễm nhiên xuất hiện công khai trên các website, fanpage Facebook chính thức của các trường.

Và tất nhiên, tương tự các sinh viên nợ học phí, những danh sách trên cũng "không ngại" công khai thông tin cá nhân của người học. Chỉ cần một cú click chuột, bất kỳ ai cũng có thể xem được.

Sinh viên nói trường thiếu tôn trọng khi công khai người nợ học phí - ảnh 6 Sinh viên nói trường thiếu tôn trọng khi công khai người nợ học phí - ảnh 7

Những danh sách "trường tồn" với thời gian. Ảnh: Ngọc Bích.

Trường thiếu tôn trọng sinh viên

Trao đổi với Tri thức - Znews, nhiều sinh viên tại các trường đại học trên cả nước tỏ ra không đồng tình với cách các trường công khai thông tin sinh viên một cách "vô tình" như vậy.

Nhật Mai (sinh viên năm cuối tại một trường đại học ở Hà Nội) cho biết dù có email và cả ứng dụng nội bộ cho sinh viên, song trường em lại chọn cách công khai các danh sách lên website và Facebook của nhà trường.

Dù không có tên trong các danh sách như nợ học phí, song Mai cũng cảm thấy không thoải mái khi thông tin của mình có trong các bảng điểm được trường công bố rộng rãi.

"Mình cảm thấy trường làm vậy là thiếu tôn trọng sinh viên, nhất là những sinh viên có tên trong danh sách nợ học phí, hay những sinh viên trượt môn. Ít nhiều, các bạn cũng có cảm giác xấu hổ khi bị 'bêu tên' như vậy. Thay vì thông báo công khai, trường hoàn toàn có thể gửi email nội bộ tới sinh viên", Mai nêu ý kiến.

Đồng quan điểm, Trương Vĩ (sinh viên năm 3 tại một trường đại học ở TP.HCM) cũng cho rằng việc các trường công khai danh sách sinh viên nợ học phí nói chung tiềm ẩn nguy cơ lộ, lọt thông tin, đồng thời xâm phạm quyền riêng tư của người học.

Dù nằm trong danh sách sinh viên được học bổng của trường, nam sinh cũng không hài lòng với việc trường công khai thông tin trên website bởi các thông tin bị lộ, lọt có thể bị kẻ xấu lợi dụng bất cứ lúc nào.

Tuy nhiên, Trương Vĩ lại cho rằng việc công khai danh sách sinh viên nợ học phí không nhằm mục đích bêu xấu hay gây áp lực cho sinh viên. Theo nam sinh, có lẽ, việc này nhằm thông báo rộng rãi đến người học, trong khi nhà trường không mất nhiều thời gian để thông tin đến từng người.

"Dù vậy, mình vẫn cho rằng việc công khai thông tin như vậy để lại rất nhiều hậu quả. Qua việc này, mình cũng thấy các trường chưa chú ý trong việc bảo mật thông tin người học, đồng thời thiếu tinh tế, tương tác kém với sinh viên", Trương Vĩ đánh giá có rất nhiều cách để thông báo đến người học thay vì công bố rộng rãi.

Tương tự, Khôi Vĩ (sinh viên năm cuối tại một trường đại học ở TP.HCM) cũng cho rằng với các thông báo mang yếu tố cá nhân, các trường nên gửi email thông báo tới riêng từng sinh viên. Có thể mất thời gian nhưng việc này giúp bảo mật thông tin cũng như tôn trọng sinh viên hơn.

Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.

Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.

Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.